Phát biểu tại lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia vào sáng 19/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực của Văn phòng Chính phủ (VPCP), trong đó có vai trò quan trọng của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng.
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ số bấm nút khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia |
Thủ tướng ghi nhận sự đóng góp của các bộ ngành, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia; đặc biệt là sự góp sức của Tập đoàn VNPT đã xây dựng hệ thống theo hình thức DN đầu tư cho thuê lại dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.
Công chức phải tinh thông nghiệp vụ, giỏi công nghệ
Theo Thủ tướng, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí. Từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội.
"Đây cũng là con đường đúng đắn để phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ "năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia", là năm khởi động tiến trình hướng tới một Việt Nam số, trong đó VPCP là một trong những cơ quan đi đầu.
Thủ tướng lưu ý trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới trong việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn cải cách dịch vụ công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Muốn vậy, thông tin dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn, đem lại hiệu quả cao nhất; thúc đẩy cán bộ công chức làm việc trên môi trường mạng.
"Cần phải đào tạo nâng cao năng lực CNTT để có những thay đổi nhanh chóng, nhằm thích ứng với môi trường làm việc trên mạng", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hướng đến xây dựng Chính phủ số, liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân, DN. |
Trong thời gian tới, công chức, viên chức nhà nước phải tinh thông nghiệp vụ, giỏi công nghệ. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương phải tạo điều kiện cho cán bộ tiếp thu đầy đủ các nền tảng công nghệ trong môi trường số hiện nay.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý, phải hướng tới hệ thống thông tin chia sẻ liên Chính phủ trong một số lĩnh vực với một số nước trên thế giới, đặc biệt là những nước trong cộng đồng Asean.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, các công ty công nghệ thông tin, đặc biệt là VNPT (đơn vị xây dựng và phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin báo cáo), Viettel cần tiếp tục cố gắng vươn lên đồng hành, góp phần giúp các cơ quan hành chính Nhà nước, các cấp trong xây dựng Chính phủ số, cung cấp những giải pháp kỹ thuật tối ưu, an toàn, an ninh nhất.
Không được cát cứ thông tin, làm đẹp số liệu lấy thành tích
"Các bộ ngành, địa phương không được cát cứ thông tin, không được làm đẹp số liệu lấy thành tích. Thông tin dữ liệu cần chính xác, tin cậy, minh bạch, thống nhất, cần đẩy mạnh số hóa, liên thông, chia sẻ thông tin hướng đến xây dựng Chính phủ số, liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân, DN", Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo, các bộ ngành, cơ quan của Chính phủ phải chuẩn hóa, điện tử hóa 200 chế độ báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội để tích hợp với hệ thống; đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để lộ lọt thông tin, dữ liệu mật.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu VPCP sắp xếp bộ máy, nhân sự để quản lý vận hành trung tâm sao cho phù hợp, hiệu quả, không hình thành đầu mối, tổ chức mới, không làm tăng biên chế.
"Tôi sẽ kiểm tra trung tâm hoạt động như thế nào, hàng ngày nhận được những báo cáo nào, chỉ tiêu nào thể hiện qua hệ thống này, nhất là những chỉ tiêu quan trọng để Thủ tướng, thành viên Chính phủ điều hành kịp thời", Thủ tướng nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia được hình thành từ Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với Hệ thống Thông tin báo cáo của bộ, địa phương, phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước. Hệ thống này tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định trên cơ sở thông tin, dữ liệu số được hiển thị trực quan. Qua đó, cho phép theo dõi, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội giao, các chỉ tiêu Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương; phục vụ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, cùng các thành viên Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, điều hành thông qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến và tương tác tới thực địa. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP tin tưởng, đây sẽ là điểm nhấn quan trọng, đánh dấu nỗ lực trong chặng đường xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử. |
Thu Hằng
Đổi mới cách điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ
Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia giúp đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ. Cách làm này giúp tiết kiệm khoảng 460 tỷ đồng/năm.