Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, với số lượng F0 trong cộng đồng vẫn tăng và ý thức chấp hành giãn cách của người dân như hiện nay, việc thực hiện giãn cách xã hội có thể sẽ tiếp tục sau ngày 6/9.
"Người dân, doanh nghiệp ra đường nhiều quá. Từ nay đến ngày 4/9, chúng tôi sẽ đánh giá nguy cơ trên kết quả xét nghiệm, tuy nhiên nếu tình hình vẫn thế này thì chắc sẽ phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ít nhất là nửa chu kỳ (tức 7 ngày)", ông Tuấn nói.
Về vấn đề nới lỏng giãn cách với một số địa bàn, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho hay, các huyện ngoại thành hiện nay cơ bản đã "sạch" Covid-19, tuy nhiên giãn cách một nửa là vấn đề lớn.
“Giãn cách toàn thành phố dân còn không chấp hành, bây giờ chia nửa thì nguy cơ rất lớn. Tuy nhiên, đó cũng là một ý kiến tốt, cần xem xét nhưng còn tùy thuộc vào ý thức người dân. Ví dụ nội thành đang giãn cách mà người dân lại ra khu vực nới lỏng, nếu là F0 thì rất nguy hiểm", ông Tuấn nhận định.
Để thực hiện nới lỏng một phần như trên, theo ông Tuấn, phải xây dựng hệ thống kiểm soát rất chặt chẽ.
Ông Tuấn khuyến cáo trong đợt nghỉ lễ 2/9 tới, người dân nên tuyệt đối tuân thủ giãn cách, không được lấy lý do ngày nghỉ lễ để đi lại, gặp gỡ, liên hoan gia đình, có thể làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến thành quả chống dịch toàn thành phố.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân Hà Nội trong thời gian giãn cách - Ảnh: Phạm Hải |
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định, Hà Nội vẫn còn nguy cơ tiếp tục bùng phát các ổ dịch. Chính quyền thành phố và ngành y tế sẽ căn cứ vào “sức chống đỡ” với dịch để quyết định mức độ giãn cách trong thời gian tới (sau ngày 6/9).
“Sức chống đỡ” ở đây bao gồm tỷ lệ tiêm chủng của người dân và năng lực khống chế khi các vụ dịch bùng phát.
“Trong điều kiện giãn cách, Hà Nội đang làm tốt công tác phòng chống dịch. Nếu thành phố nới lỏng hoàn toàn, nguy cơ sẽ rất cao. Tôi cho rằng có thể xem xét nới giãn cách ở khu vực an toàn, không xảy ra dịch nhưng cũng phải sẵn sàng áp dụng biện pháp phong tỏa ngay nếu phát hiện ca nhiễm ở khu vực đó”, PGS nói.
Một số người đặt câu hỏi: “Vì sao Hà Nội giãn cách nhưng vẫn còn xuất hiện các ổ dịch”, PGS Hùng cho hay: “Chúng ta nên đặt câu hỏi nếu không giãn cách, dịch ở Hà Nội sẽ bùng phát mạnh thế nào? Khi ấy, số ca nhiễm khó dừng lại ở mức vài chục ca/ngày”.
Ông nhấn mạnh, giãn cách là biện pháp rất quan trọng khi chưa đủ khả năng bao phủ vắc xin, bảo vệ cộng đồng khỏi virus SARS-CoV-2.
“Người dân không nên quá lo lắng, cũng không nên nóng vội. Cần xác định cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Hà Nội còn lâu dài, khi mầm bệnh đã lây lan trong cộng đồng và nhiều tỉnh thành khác đang bùng phát dịch mạnh”, ông chia sẻ.
Triều Dương
Lý do Hà Nội vẫn xuất hiện các ổ dịch dù giãn cách
PGS Hùng nhận định, giãn cách là giải pháp quan trọng hàng đầu để khống chế dịch Covid-19 tại Hà Nội hiện nay, trong lúc chờ đợi vắc xin tiêm phủ diện rộng.