Anh Trần Xuân Điệp (SN 1981, xóm Tân Dân, xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đang sở hữu cây đào thế được cho là đẹp nhất Thành Nam.
Anh Điệp tự hào, đây là cây đào ta thuần chủng, không lai ghép đào rừng. Cây đào này do anh trực tiếp chăm sóc, cắt tỉa, tạo thế nhiều năm qua…
Cây đào thế được cho là đẹp nhất Thành Nam, không bán, chỉ cho thuê của anh Trần Xuân Điệp |
Từ khi chuyển sang khu vực đường mới mở xuyên qua các xã Nam Phong, Nam Mỹ…, cây đào thế này đã ở vườn anh được gần chục năm.
“Đây là đào dáng long cổ theo lối làm cây của các cụ xưa. Thân cây bành ra, rất nạc cây, không một vết cắt, do đó xương cây rất rắn, khỏe. Bộ dăm tàn rất đều, chia tay rất đẹp”, anh Điệp phân tích.
Cây đào thế dáng long cổ, thuần chủng đào ta có chiều cao khoảng 1,5 mét, tàn bay khoảng 2 mét. Từ mặt gốc lên đến thân chính khoảng 50cm, tỷ lệ rất đẹp đối với một cây đào thế cổ.
|
“Nhiều gốc đào cổ khác có thể đẹp hơn, hình thù kỳ quái hơn nhưng không phải cây thuần chủng, phần lớn là đào rừng ghép mắt đào ta. Những cây ghép đó không bền, sẽ bị bỏ sau một thời gian”, anh Điệp nói.
Nói về cây đào mà mình tâm đắc, anh Điệp cho biết, rất nhiều người ngỏ ý muốn mua nhưng anh không bán, chỉ cho khách thuê chơi Tết. Sau Tết, anh đến tận nơi lấy cây mang về, chăm sóc cho mùa hoa mới.
Giá cho thuê cây đào này là 5 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với khách bỏ vài chục triệu mua cả cây, sau Tết, nếu không biết chăm sóc, cây sẽ chết hoặc phá thế…
Anh Điệp chăm cây đào thế |
Cây đào thế của anh Điệp sẽ được cho thuê chơi Tết |
“Những cây đào thế, đào đẹp chủ yếu cho khách thuê chơi Tết, giá cả rất phải chăng. Một cây đào to, đẹp, trên Hà Nội cho thuê với giá vài chục triệu, ở vườn dưới tỉnh, tôi chỉ cho thuê giá bằng 50% giá thuê ở Hà Nội”, anh Điệp nói.
Trong lúc những cây đào ta đang chúm chím khoe sắc, nụ dày kín các tay cành, thì những cây đào thất thốn vẫn đang ngủ, chưa bật nụ, người không biết tưởng cây bị “điếc”, không ra hoa.
Ngoài cây đào ta dáng long cổ, anh Điệp còn sở hữu 3 cây đào thất thốn có tuổi đời vài chục năm. Đào thất thốn là đào tiến vua, cây lùn lực, tay cành mũm mĩm, đốt ngắn, dày hoa, hoa 7 cánh, màu đỏ tươi, đậm hơn so với bích đào.
Cận Tết, gặp nắng ấm, từ những thân cành xù xì, mốc rêu, những nụ hoa đội vỏ nhú ra đồng loạt, mũm mĩm như ngón tay trẻ nhỏ.
Cây đào thất thốn vài chục năm tuổi của anh Điệp |
Anh cho biết, cây đào này cũng không bao giờ bán |
Cận tết, anh Điệp vẫn cần mẫn chăm vườn đào |
Với 300 gốc đào cổ, đào quý, trừ chi phí một năm anh Điệp cũng thu được ba trăm triệu. Đó là một nguồn thu khổng lồ mà cả gia đình anh trông ngóng.
Anh Điệp cũng kể, muốn cây khỏe, phải thay đất mới cho cây. Đó là lý do vì sao cây vẫn đang trên vườn mà đất mới đã được trữ sẵn, đổ đống trước vườn. Đó là đất thay cho năm tới.
Sau mỗi Tết, cây đưa về sẽ cắt trụi hết những tay cành, chỉ để lại thân cây chính. Một quy trình chăm sóc mới tiếp tục lặp lại.
“Năm nay, đào quất bán chậm hơn vì ảnh hưởng dịch bệnh covid-19 kéo dài suốt năm qua. Mong là sang tuần, mọi chuyện sẽ thay đổi để các nhà vườn như chúng tôi bán được hàng, mới có đồng công sau cả năm chăm sóc”, anh Điệp nói.
Thái Bình
Cây đào mục nhất phố hoa, khách qua đường xuýt xoa trăm triệu
Cây đào Tết có gốc mục ruỗng lại thuộc hàng quý hiếm, được hét giá tới 120 triệu đồng trên con đường hoa đào Lạc Long Quân (Hà Nội).