Khi Chamroeun, 28 tuổi bị giam 10 ngày, bạn gái anh, Chenda đã sử dụng điện thoại ghi hình và gửi lời kháng cáo trực tiếp đến Thủ tướng Hun Sen.

Kong Chamroeun bị giam vì cáo buộc trộm 80 USD tài sản của công ty. Anh không thừa nhận tội này. “Chúng tôi không có gì, chỉ có bàn tay trắng”, bạn gái của anh nói. Chenda cho rằng, cảnh sát đã cố “tống tiền” Chamroeun 2.000 USD để không bị buộc tội.

{keywords}

Ảnh: CNBC

Khi Chamroeun bị giam 10 ngày, Chenda đã sử dụng điện thoại ghi hình và gửi lời kháng cáo trực tiếp đến Thủ tướng Hun Sen.

Cô ghi lại video chi tiết về nỗ lực “tống tiền” của cảnh sát rồi đăng lên trang facebook của ông.

Ngay sáng hôm sau, Chamroeun được thả tự do. “Chúng tôi không bao giờ nghĩ Thủ tướng sẽ giúp chúng tôi”, Chenda, 26 tuổi nói. "Đây là vấn đề rất nhỏ nhưng Thủ tướng đã giải quyết rất nhanh chóng”.

Sau hình ảnh video kháng nghị của Chenda, Thủ tướng Campuchia đã thúc giục người dân gửi mọi khiếu nại về tham nhũng của chính phủ vào hộp thư thoại facebook của ông.

Trong một phát biểu gần đây, ông đã đề cập đến trường hợp của Chamroeun và nhấn mạnh, không có facebook, ông không thể phụng sự người dân hiệu quả.

Chống tham nhũng nhờ facebook

Ông Hun Sen mới đây đã thúc giục người dân gửi các khiếu nại tham nhũng vào hộp thoại trang cá nhân facebook của ông, kèm theo bằng chứng. Ông coi đây là một động thái tăng cường chống tham nhũng.

“Để thúc đẩy sinh kế của người dân, đấu tranh và loại bỏ tham nhũng, thực hiện công lý xã hội, các anh chị em và đồng bào nên kết nối với chúng tôi”, trang facebook của ông Hun Sen viết.

Thủ tướng Campuchia đề nghị mọi công dân gửi tiếp đến hộp thoại trang cá nhân của ông các tài liệu đính kèm dạng PDF hoặc Word để cung cấp bằng chứng tham nhũng. “Mọi yêu cầu, thông tin, khiếu nại cần dựa trên cơ sở pháp lý thực tế bao gồm cả nhân chứng”, lời thúc giục của ông Hun Sen nêu rõ.

Người phát ngôn chính phủ Phay Siphan cho hay, sáng kiến này của Thủ tướng Campuchia sẽ cho phép các cơ quan chức năng phản ứng nhanh chóng với mọi khiếu nại.

“Facebook sẽ hiệu quả hơn để thông tin về những trường hợp này”, ông Siphan nói. “Cách thức này làm giảm tình trạng quan liêu và thu hẹp khoảng cách giữa người dân với Thủ tướng”. Theo nhà phân tích chính trị Kem Ley, sáng kiến của ông Hun Sen cần được một cơ chế chính thức hỗ trợ để xử lý mọi khiếu nại.

Thủ tướng Hun Sen gia nhập mạng xã hội từ tháng 9 năm ngoái. Tháng 2 năm nay, ông đã chỉ thị cho các bộ thành lập nhóm làm việc để xử lý các khiếu nại của người dân mà họ gửi tới trang facebook của ông.

Nhóm làm việc này phải báo cáo hàng ngày về những khiếu nại này và nhanh chóng giải quyết vấn đề .

Theo chỉ đạo của ông, 7 bộ đã thành lập các nhóm làm việc chuyên trách với 64 thành viên để xử lý các thông tin đăng tải trên facebook,  kể cả khiếu nại về tranh chấp đất đai.

"Chúng tôi theo dõi mọi bình luận hàng giờ, hàng ngày”, Seng Loth, người giám sát trang cho Bộ Quản lý đất đai và kế hoạch đô thị nói. “Đây là chỉ thị trực tiếp của Thủ tướng, nên công việc không thể bỏ qua”.

Chính phủ Campuchia năm ngoái đã tổ chức các khóa đào tạo cho 400 hiệu trưởng. Họ được khuyến khích sử dụng facebook để nắm thông tin và tích cực tương tác xã hội.

Thái An tổng hợp