Kiểm soát từ lúc đón đến khi đưa vào cách ly tập trung
Đây là cách làm của nhiều tỉnh, thành khi tổ chức đón người dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong giai đoạn vừa qua.
Trong kế hoạch chủ động đón người dân từ vùng dịch về quê, các tỉnh lập sẵn cơ sở cách ly tập trung theo mô hình cách ly quy mô lớn của tỉnh hoặc cách ly tập trung phân tán về các huyện nơi người dân cư trú.
Theo các tỉnh, thành, việc chủ động lập cơ sở cách ly tập trung, kiểm soát người từ vùng dịch về ngay từ khâu đăng ký, tổ chức đón, giám sát đưa vào khu cách ly, đây là "quy trình" giảm thiểu nguy cơ lây lan.
Trong quy trình này, về cơ bản đều có thực hiện các bước xét nghiệm từ khi rời vùng dịch, đủ điều kiện mới được đón lên xe, tàu, máy bay, và khi về đến nơi sẽ tiếp tục đón vào khu cách ly, xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng dịch.
Tại Yên Bái, các đợt tổ chức đón công dân triển khai từ tháng 8 cũng thực hiện theo quy trình này. Ngày 3/10, tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch hỗ trợ đón người dân có nguyện vọng trở về quê bằng máy bay. Theo đó, vào trung tuần tháng 10 sẽ đón đợt đầu tiên trên 2 chuyến bay, số lượng 500 người theo các nhóm ưu tiên.
Tuy nhiên, trước hiện tượng người dân ở các tỉnh thành phía Nam tự về các địa phương trong những ngày qua, tỉnh Yên Bái đã có văn bản hoả tốc tiếp nhận công dân từ vùng dịch về quê.
Tỉnh này yêu cầu các chốt kiểm soát chặt chẽ người dân và phương tiện khi vào địa bàn tỉnh; đưa ngay người dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về địa phương vào cơ sở cách ly tập trung của tỉnh, lấy mẫu xét nghiệm.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh được giao chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức cách ly cho các công dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam trở về địa phương.
Khác với tỉnh Yên Bái đưa người dân vào khu cách ly của tỉnh, tỉnh Phú Thọ thực hiện phân loại, sàng lọc với người từ vùng dịch, sau đó đưa về các huyện nơi họ cư trú để cách ly tập trung.
Tỉnh Phú Thọ kích hoạt và đưa vào hoạt động cơ sở cách ly tập trung cấp huyện để đón khoảng 500 người trở về từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Đồng thời giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức tiếp nhận vào cơ sở cách ly tập trung của tỉnh; sàng lọc, phân loại và đưa công dân về cơ sở cách ly tập trung tuyến huyện hoặc cách ly tại nhà/nơi cư trú và thực hiện giám sát chặt chẽ.
Để chủ động phương án, Chủ tịch tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã yêu cầu UBND các địa phương thông báo đến gia đình có người thân đã rời khỏi các tỉnh, thành phố phía Nam, trên đang trên đường trở về tỉnh; kịp thời nắm bắt, tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện để báo cáo UBND tỉnh tổng hợp, có phương án xử lý phù hợp.
Công an tỉnh Phú Thọ được giao liên hệ với công an các tỉnh nơi công dân đi qua để chủ động phương án đón.
Tỉnh Bắc Giang đã đón hàng chục nghìn người từ các tỉnh “vùng đỏ” dịch như Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phía Nam về quê an toàn.
Tỉnh xác định nhóm đối tượng ưu tiên cần đón rồi thông tin tới Hội đồng hương Bắc Giang tại phía Nam để thông báo đến rộng rãi tới công dân. Từ việc nắm bắt được nguyện vọng về quê, Hội đồng hương sẽ lên danh sách và xét duyệt theo thứ tự ưu tiên.
Hội đồng hương sẽ nhờ các địa phương hỗ trợ tổ chức xét nghiệm Covid-19, tiêm phòng vắc xin (nếu có thể) và thực hiện đón, đưa công dân tới địa điểm tập kết đúng thời gian.
Công dân khi về tới Bắc Giang sẽ được đưa về địa phương cách ly tập trung |
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang chuyển danh sách người đủ điều kiện cho UBND các huyện, thành phố để kiểm tra, rà soát và chuẩn bị cho việc cách ly tập trung ngay khi công dân về tới tỉnh.
Khi về đến địa phương, UBND các huyện, thành phố bố trí phương tiện đến ga Bắc Giang hoặc sân bay Nội Bài đón công dân và đưa ngay về khu cách ly tập trung của địa phương.
Ngay khi về tới khu vực cách ly tập trung, công dân thực hiện xét nghiệm Covid-19 để phân loại cách ly theo quy định với các điều kiện khu cách ly được thiết kế, giám sát để phòng tránh lây nhiễm chéo.
Cũng như Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc cũng cách ly tập trung cả quy mô lớn và hình thức cách ly tập trung phân tán. Theo đó, tỉnh chuẩn bị cơ sở cách ly y tế tập trung quy mô đến 20.000 giường, trong đó, cấp tỉnh chuẩn bị 10.000 giường, TP Vĩnh Yên và Phúc Yên mỗi địa phương 1.500 giường, các huyện còn lại mỗi huyện 1.000 giường.
Với sự chủ động trong dự phòng cơ sở cách ly, việc cách ly vừa qua được thực hiện nghiêm ngặt về khoảng cách, không để lây chéo ngay trong khu cách ly và từ khu cách ly ra cộng đồng.
Tại Hà Tĩnh, tỉnh này cũng áp dụng hình thức cách ly tập trung toàn bộ người từ vùng dịch phía Nam về quê.
Để thực hiện, tỉnh thành lập các cơ sở cách ly tập trung sau khi đánh giá có hơn 130.000 dân sinh sống ngoại tỉnh, lượng người ở các vùng dịch có nhu cầu về quê rất lớn.
Đến cuối tháng 9, tỉnh này đã đón hơn 2.000 người từ miền Nam về quê theo nguyện vọng. Những công dân này đã hoàn thành cách ly tập trung và trở về địa phương.
Theo các làm của tỉnh Hà Tĩnh, trước khi tổ chức đón dân trở về, 13 huyện, thị đã kích hoạt các khu cách ly, sẵn sàng việc đưa người dân vào cách ly tập trung.
Tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức cách ly tập trung với người từ địa phương có dịch trở về địa phương. Tính từ ngày 21/7 đến cuối tháng 8, tỉnh đã đón đã đón và cách ly hơn 10.000 người từ các địa phương có dịch trở về quê. Trong số kể trên, có 457 người cách ly có thu phí, số còn lại được miễn phí.
Những người được đón về đều phải có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR âm tính trong vòng 48h trước khi lên xe hoặc máy bay.
Sau khi về đến tỉnh, xe đón người dân đi thẳng đến khu cách ly tập trung ở địa phương nơi thường trú của bà con. UBND cấp huyện có trách nhiệm thành lập các khu cách ly tập trung theo quy định. Các khu cách ly tập trung tại các huyện đều do quân đội quản lý, điều hành và đầy đủ đội ngũ y tế.
Những người về cách ly tập trung ít nhất 14 ngày liên tục; tiếp tục cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo; lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 4 lần.
Cách ly tại nhà, giám sát ngặt nghèo để không bùng dịch
Trước thực tế hàng chục nghìn người về các tỉnh miền Tây mỗi ngày, các khu cách ly tập trung ở những địa phương này đã quá tải. Dù đã trưng dụng cả trường học làm nơi cách ly tập trung, nhưng so với số lượng người đổ về, những nơi cách ly này đã hết sức chứa.
Trước tình trạng này, một số tỉnh ở miền Tây đã quyết định cho người dân cách ly tại nhà, đây là giải pháp tình thế khi không còn chỗ cách ly tập trung.
Với việc cho cách ly tại nhà, nhiều ý kiến lo lắng về nguy cơ bùng dịch ở những điểm nhỏ trong khu dân cư, thậm chí bùng dịch trong cộng đồng nếu người dân chấp không tự giác cách ly, chính quyền sở tại thiếu giám sát.
Dòng người từ TP.HCM, Bình Dương... về An Giang (ảnh: Cổng TTĐT An Giang). |
Theo ghi nhận tại tỉnh An Giang, tỉnh này tiếp nhận hơn 35.000 người từ vùng dịch trở về, các khu cách ly tập trung của tỉnh đã quá tải, dù đã trưng dụng các cơ sở giáo dục ở địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình quyết định phương án cho người dân thực hiện cách ly tại nhà. Theo đó, người dân về đến cửa ngõ được bố trí vào khu vực tiếp nhận. Tại đây, người dân được phát khẩu trang mới, hỗ trợ y tế, thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm. Người lớn tuổi, trẻ em, người đau yếu được hỗ trợ cháo, súp, sữa…
Sau đó, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đoàn tiếp nhận công dân, đưa về khu tiếp nhận ban đầu để phân loại, sàng lọc, xét nghiệm, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Người có kết quả xét nghiệm âm tính được tạo điều kiện cho cách ly tại nhà để theo dõi sức khỏe (phải đủ điều kiện chính quyền đặt ra). Chính quyền cũng hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để người dân yên tâm cách ly phòng dịch.
Bảng thông báo trước cửa người được cách ly tại nhà ở An Giang |
Chủ tịch tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương khi cách ly tại nhà với người dân, phải dán bảng cảnh báo, căng dây phía trước để người dân xung quanh biết, giám sát. Đồng thời giao tổ dân phố, khóm, ấp theo dõi hàng ngày.
Khi có vắc xin, các địa phương tiêm bổ sung đủ liều cho người mới về, đặc biệt ưu tiên tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1. Những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, phải vận động nguồn lực hỗ trợ, không để bà con thiếu đói.
Những nơi điều kiện gia đình không đảm bảo cách ly y tế tại nhà, các chủ nhà trọ, khách sạn đã sẵn sàng dành chỗ để người dân cách ly miễn phí. Lực lượng vũ trang cũng sẵn sàng chia sẻ chỗ ăn, nghỉ cho người dân.
Chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang) Trần Hòa Hợp cho biết, đến sáng nay địa phương đã tiếp nhận hơn 4.300 người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Trong số này, có khoảng 25% người đủ điều kiện được cách ly tại nhà.
Để quản lý người cách ly tại nhà, ông Hợp cho biết, An Phú tăng cường vai trò quản lý của chính quyền cơ sở, đồng thời phát huy các tổ Covid cộng đồng.
“Mỗi xã chúng tôi thành lập khoảng 70 tổ Covid cộng đồng. Mỗi tổ quản lý từ 30 hộ gia đình, để giám sát theo dõi hàng ngày đối với người cách ly. Những người có biểu hiện sốt, ho, nhức đầu chỉ cần báo với tổ Covid sẽ đến kiểm tra, xử lý; đồng thời lực lượng công an địa phương tuần tra, kiểm tra 24/24. Ngoài ra, người dân cũng làm cam kết tuân thủ các quy định về cách ly tại nhà. Trước nhà người dân cách ly được giăng dây, treo bảng “nhà có người cách ly”, ông Hợp nói.
Cách ly tại nhà, cần ý thức, chấp hành nghiêm của người dân |
Tại tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo, với những trường hợp cách ly tại nhà, trước cửa phải có biển cảnh bảo: “Nhà có người cách ly y tế”. Đồng thời ghi cụ thể họ và tên, số điện thoại: người cách ly, cán bộ y tế, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng được phân công hỗ trợ.
Về cơ sở vật chất, Cà Mau quy định phải có nhà ở riêng biệt dành cho người cách ly. Nhà phải có vệ sinh riêng (có thể nhà vệ sinh tạm), nấu ăn riêng; việc tiếp tế đồ dùng, ăn uống phải giữ khoảng cách theo định. Ngoài ra, chỗ ở phải thuận tiện về giao thông để kiểm tra, giám sát và cung cấp y tế.
Tại Cần Thơ, Chủ tịch UBND TP Trần Việt Trường yêu cầu đảm bảo việc cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho người dân cách ly tại nhà ngay sau khi dân về đến địa phương.
Cần Thơ dự kiến hỗ trợ người cách ly tại nhà được hỗ trợ 15kg gạo/người, hỗ trợ khẩn cấp 500.000 đồng/người đối với người dân thiếu đói, thiếu lương thực, thực phẩm, gặp khó khăn do dịch.
“Mục đích của các khoản hỗ trợ này để giúp người dân Cần Thơ đã trở về từ các tỉnh, thành kịp thời có được lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiếu”, lãnh đạo Cần Thơ cho biết.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Nhóm PV
Phát hiện cả trăm F0 trong dòng người về miền Tây
Trong dòng người chạy xe máy về quê những ngày qua, các tỉnh miền Tây đã phát hiện hàng trăm F0.