Trả lời câu hỏi của VietNamNet về tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với lương hưu, tại họp báo công bố luật chiều nay, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc điều chỉnh tuổi hưu nhằm thể chế hóa nghị quyết 28 của TƯ.
Theo ông, việc này là xu hướng của hầu hết các quốc gia, nhất là quốc gia già hoá dân số. Sau khi Việt Nam thông qua bộ luật thì một số nước thông qua ILO đến học tập và trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam.
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung: Lương hưu trả từ BHXH, lương công chức, viên chức do Nhà nước trả |
Có thể đóng BHXH đủ năm để hưởng luôn
"Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ với bất kỳ quốc gia nào. Năm 2010 Anh bắt đầu cải cách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhưng năm 2000 đã biểu tình, nhiều nước bên cạnh ta đã đưa ra QH 5 năm nhưng chưa thông qua được.
Vì vậy đây là quyết tâm chính trị lớn, thể hiện tầm nhìn dài, có tính chất chiến lược để đi tắt đón đầu xu hướng già hoá dân số", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tư lệnh ngành lao động cho rằng, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là thực hiện đa mục tiêu chứ không phải mục tiêu nhỏ nào. Trước hết là tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho giới trẻ, thích ứng với già hoá dân số.
Dẫn lại đánh giá của các tổ chức quốc tế, Bộ trưởng cho biết, có 3 giai đoạn là dân số vàng, đang già, đã già thì Việt Nam ở giai đoạn đang già, thời điểm rơi vào cực điểm của già là năm 2040. Việt Nam đang có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất.
Ngoài ra, việc tăng tuổi nghỉ hưu còn vì mục tiêu để bảo toàn, phát triển bền vững của quỹ BHXH; rút dần khoảng cách chênh lệch về giới (hiện chênh 5 tuổi), tiến tới tuổi nghỉ hưu của nam nữ có thể cân bằng.
Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từ đa mục tiêu như vậy, đi kèm với việc sửa đổi bộ luật này thì phải sửa đổi nhiều luật liên quan đến quyền của người về hưu và người được hưởng chế độ hưu. Trước mắt, năm 2021 khẩn trương sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội, luật Việc làm.
"Nghị quyết 28 đưa ra 11 nội dung cải cách BHXH, bộ luật này mới giải quyết 1 khâu là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, còn 10 nội dung nữa phải điều chỉnh", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ông ví dụ việc giảm thời gian đóng hưởng BHXH, hiện quy định 20 năm, bình quân là 19,8 năm, thì một người khi nghỉ hưu chỉ hưởng đủ 10 năm, còn 9 năm 8 tháng phải ăn nhờ thế hệ sau.
"Vì vậy phải điều chỉnh 10 nội dung nữa trong luật BHXH như rút thời gian đóng BHXH từ 20 năm rút xuống 15 năm để tăng số lượng người tham gia, tiến tới có thể 10 năm theo 3 nguyên tắc đóng hưởng, bình đẳng và chia sẻ", ông Dung nói.
Bộ trưởng cũng phân tích thêm, trong quy định về tuổi nghỉ hưu có câu quan trọng là luật trước đây quy định “có thể” được nghỉ hưu sớm hoặc muộn thì lần này là “có quyền” nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn theo trần.
"Quyền này có thể tiến tới quy định trong luật BHXH là nghỉ hưu sớm hoặc muộn trước 5 năm hoặc 10 năm nhưng chưa đủ tuổi thì phải chờ. Tuy nhiên, có thể khuyến khích bằng cách có thể đóng BHXH bổ sung vào để đủ năm tuổi nghỉ hưu thì hưởng luôn, không phải chờ đủ tuổi", Bộ trưởng phân tích.
Ông cho hay, từ "quyền" này rất linh hoạt và ban soạn thảo bộ luật phải lần mò với nhau từng từ, từng chữ để quy định chứ không phải tự nghĩ ra được.
Lương hưu lấy từ quỹ BHXH
Nói về chính sách tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ 1/1/2021, tinh thần chung là tách lương công chức, viên chức, khác hẳn với lương hưu. Cụ thể là lương hưu từ BHXH, lương công chức, viên chức Nhà nước trả, lương DN thì do chủ sử dụng lao động trả.
"Lương hưu không ảnh hưởng gì sản xuất kinh doanh hay công chức, viên chức. Lương hưu sẽ lấy từ quỹ BHXH, nên có thể phân loại có đối tượng người nghỉ hưu sẽ được quan tâm cao hơn.
Hiện, lương người nghỉ hưu trước năm 1993 rất thấp, càng nghỉ hưu về trước càng thấp, càng khó khăn nên tới đây phải điều chỉnh theo cách đó", người đứng đầu ngành LĐTB&XH nói.
Ông cũng thông tin thêm, bộ luật Lao động không dừng lại ở 20 triệu người đóng bảo hiểm bắt buộc mà sẽ mà mở rộng hơn ở 34,5 triệu người ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động.
Từ đó số lượng đóng bảo hiểm tăng lên, kể cả tự nguyện và người già khi về hưu có thụ hưởng từ BHXH, đây là 1 trong 2 trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh của người lao động.
Thu Hằng
Lương của chồng chuyển thẳng tài khoản vợ là hoàn toàn hợp pháp
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, việc lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ là hoàn toàn hợp pháp nếu có sự thỏa thuận.