Thông tin với VietNamNet, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản Lại Hồng Thanh cho hay, Tổng cục đã thành lập đoàn công tác, kiểm tra thực trạng, cũng như việc quản lý, khai thác, cấp phép cao lanh tại các huyện của tỉnh Phú Thọ sau khi báo VietNamNet phản ánh.

Ông Thanh cho biết, thực trạng khai thác khoáng sản cao lanh tại các huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tam Nông, Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) đã tồn tại khoảng chục năm trở lại đây.

Tổng cục Địa chất Khoáng sản đã nhiều lần có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở TN-MT tỉnh Phú Thọ đề nghị tăng cường vai trò quản lý, giám sát, bảo vệ tài nguyên, không để khoáng sản "chảy máu" vì tình trạng khai thác trái phép.

{keywords}
Những hố sâu hun hút, mặt bằng bị phá nát vì khai thác cao lanh trái phép

"Sau những lần có văn bản kiến nghị, địa phương đã tăng cường lực lượng để bảo vệ, giám sát, góp phần ngăn chặn đáng kể tình trạng khai thác trái phép nói trên. Tuy nhiên, có những thời điểm, tình trạng này lại tái diễn"- ông Thanh nhận định.

Theo ông Lại Hồng Thanh, công tác thăm dò trữ lượng, quy mô, tình trạng phân bố... đã được Tổng cục tiến hành. Địa bàn huyện Thanh Thủy hiện mới có 3 điểm mỏ được cấp phép cho các đơn vị khai thác, nộp phí khai thác tài nguyên cho Nhà nước.

Các điểm còn lại chưa cấp mỏ, theo quy định của Luật Khoáng sản, địa phương có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, không để khai thác trái phép.

"Để xảy ra tình trạng khai thác trái phép, đào trộm, múc trộm khoáng sản, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu" - ông Thanh nói.

{keywords}
Điểm khai thác cao lanh trái phép tại hộ gia đình ông Trần Văn Bẩy, khu dân cư số 17, xã Đào Xá.

Căn cứ trên kết quả làm việc của Đoàn công tác, Tổng cục Địa chất Khoáng sản sẽ báo cáo với Bộ TN-MT.  Từ đó, xây dựng phương hướng quản lý, phân quyền cấp phép mỏ; phối hợp với địa phương để có phương án quản lý về lâu dài.

Ngày 11/12, UBND huyện Thanh Thủy đã ban hành công văn số 1760 yêu cầu UBND xã Đào Xá, Công an huyện Thanh Thủy kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vi phạm tự ý san gạt, hạ cốt nền đất thổ cư của hộ gia đình ông Trần Ngọc Bẩy (Khu dân cư số 17, xã Đào Xá) để khai thác cao lanh trái phép như VietNamNet đã phản ánh.

UBND huyện giao UBND xã xử lý hành vi sai phạm của hộ gia đình ông Bẩy; có biện pháp theo dõi, giám sát chặt chẽ không để tái diễn vi phạm.

Chủ tịch UBND xã Đào Xá chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy nếu để tình trạng trên tái diễn.

{keywords}
Mặt bằng trồng cây lâu năm bị phá nát, không thể trồng cây trở lại sau khi khoét đồi để múc trộm cao lanh.

UBND huyện giao Công an huyện tăng cường cán bộ, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tự ý san nền, hạ cốt nền, vận chuyển đất đi nơi khác của hộ ông Trần Văn Bẩy. Nếu phát hiện sai phạm, yêu cầu Công an huyện chủ trì phối hợp với Phòng TNMT huyện, UBND xã Đào Xá và các cơ quan liên quan, báo cáo Chủ tịch UBND huyện để xử ký nghiêm hành vi sai phạm theo thẩm quyền.

Ngày 16/12, Bí thư huyện ủy Thanh Thủy Nguyễn Minh Tường cùng lãnh đạo UBND huyện, công an huyện và các phòng ban chuyên môn đã trực tiếp xuống kiểm tra tình hình tại xã Đào Xá.

“Huyện yêu cầu hộ gia đình ông Bẩy ký cam kết không tái diễn, có xác nhận của trưởng khu dân cư và chính quyền địa phương. Đây không phải là lần đầu ông Bẩy vi phạm sự việc này” - Phó Chủ tịch huyện Thanh Thủy cho biết.

Theo UBND xã, gia đình ông Bẩy đang sử dụng thửa đất có diện tích 5.216m2 có mục đích trồng cây lâu năm. Từ tháng 6/2019, ông Bẩy đã tự ý cho một người khác thuê 2.000m2 đất vườn, thời hạn 2 năm.

{keywords}
Đào Xá là một trong những điểm tập trung nhiều cao lanh, chất lượng tốt ở huyện Thanh Thủy

Phòng TNMT huyện đã xuống kiểm tra, lập biên bản yêu cầu dừng ngay việc hạ cốt, san nền trái phép, giữ nguyên hiện trạng đất đá (khoảng 450m3) không được di dời ra khỏi khu đất.

Tuy nhiên, gia đình ông Bẩy vẫn không tuân thủ. Ngày 4/12, kiểm tra, lập biên bản hiện trường phát hiện khoảng 350m3 đất đá có màu trắng (nghi là khoáng sản), cơ quan chức năng yêu cầu không cho di dời, tuy nhiên, khối lượng nói trên vẫn bị di dời khỏi hiện trường.

“Địa bàn xã Thanh Thủy rất rộng, trong đó khu dân cư số 17 rộng nhất xã. Các điểm mỏ phân tán nhỏ lẻ xen kẽ trong nhà dân, có trong các khu vực trồng cây lâu năm (giao 50 năm) cho các hộ dân quản lý, sử dụng nên chưa có phương án cụ thể về việc lập dự án khai thác mỏ.

Chúng tôi kiến nghị Sở TN-MT, Tổng cục Địa chất khoáng sản thăm dò trữ lượng, từ đó có phương án lập các điểm mỏ để có kế hoạch bảo vệ, khai thác có hiệu quả” - Trưởng phòng TNMT huyện Thanh Thủy Nguyễn Anh Tùng cho biết.

Dỡ đồi múc trộm “vàng trắng” trái phép chưa khi nào ngừng ở Phú Thọ

Dỡ đồi múc trộm “vàng trắng” trái phép chưa khi nào ngừng ở Phú Thọ

Những quả đồi trồng cây lâu năm bị chọc thủng để múc cao lanh biến thành ao sâu hun hút. Nạn khai thác cao lanh trái phép hoành hành ngang nhiên ở Thanh Thủy, Phú Thọ.

Kiên Trung