Bộ Nội vụ vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ với nhiều quy định về những điều "không được làm".

Về trang phục của công chức, viên chức, người lao động khi đi làm, Bộ Nội vụ yêu cầu phải lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu.

Với quần, áo phải mặc kín đáo, váy dài quá đầu gối, không xẻ tà quá cao, áo phông không có ve cổ và đặc biệt là không được mặc quần bò.

{keywords}
Ảnh minh họa

Việc quy định chi tiết về trang phục không được mặc, trong đó có nhắc đến việc không được mặc quần bò khi đi làm, hiện đang có khá nhiều những ý kiến khác nhau.

Theo tìm hiểu của VietNamNet, trước đó đã có nhiều bộ ngành, địa phương cũng ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công sở, áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị. 

Cụ thể, ngày 6/2/2020, Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành quy tắc ứng xử với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ.

Theo đó, một trong những nội dung được nêu trong quy tắc ứng xử của Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng nhắc đến yếu tố trang phục.

“Khi thực thi công vụ, nhiệm vụ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù của Ngành và thuần phong, mỹ tục. Đối với những ngành, lĩnh vực có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định riêng”, Bộ Quy tắc ứng xử của Bộ Tài nguyên & Môi trường, nêu.

Với môi trường sư phạm, Bộ Giáo dục & Đào tạo có quy định về trang phục để đảm bảo văn minh, lịch sự nhưng không sa vào từng mẫu, kiểu cách quần áo riêng.

Cụ thể, Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên được ban hành tháng 4/2019, Bộ này yêu cầu: “Cán bộ quản lý, giáo viên phải sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục".

Chi tiết hơn nữa, Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định, nhân viên phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục và tính chất công việc.

Người học phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động giáo dục. Cha mẹ người học và khách đến trường phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục. Không sử dụng trang phục gây phản cảm.

Tương tự, khi ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, Bộ VHTT&DL muốn đưa ra những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch.

Bộ quy định một cách khái quát, không “kỳ thị” với bất kỳ một loại quần áo có chất liệu cụ thể: “Sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp khi đi du lịch; mặc trang phục nghiêm túc khi tham quan tại những nơi thờ tự tín ngưỡng tôn nghiêm, nghĩa trang liệt sỹ, lễ hội truyền thống”.

Ở các cơ sở lưu trú, Bộ VHTT&DL quy định: “Nhân viên mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, sạch sẽ, phù hợp với công việc; có đồng phục riêng cho từng bộ phận; khuyến khích mặc trang phục truyền thống dân tộc”.

Bộ Y tế thì “gọn gàng” hơn khi yêu cầu các nhân viên y tế phải “bảo đảm kín đáo, tôn trọng người bệnh khi khám bệnh”.

Đảm bảo lịch sự

Trong quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, TP Hà Nội yêu cầu phải mặc trang phục công sở lịch sự; đầu tóc gọn gàng. 

Còn tại Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Hà Nội cũng chỉ yêu cầu: “Trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội”. 

Trước khi Bộ Nội vụ có quy định công chức, viên chức, người lao động không được mặc quần bò khi đi làm, tỉnh Thừa Thiên  - Huế cũng từng làm xôn xao dư luận với việc triển khai cho toàn thể cán bộ công chức mặc áo dài truyền thống trong ngày đầu tuần mỗi tháng, và vào những ngày lễ. Đặc biệt, nam giới sẽ mặc áo dài ngũ thân. Việc này bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2020.

Tỉnh này quy định khá chi tiết trong Quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Thừa Thiên – Huế quy định:

Khi thực hiện nhiệm vụ, công chức phải mặc trang phục lịch sự, gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục được quy định như sau: Đối với nam: Mặc quần tây, áo sơmi; bộ com-lê nam. Đối với nữ: Bộ áo dài truyền thống; váy dài; bộ com-lê nữ; quần tây và áo sơ mi.

Cán bộ, công chức, viên chức nữ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh mặc bộ áo dài truyền thống vào ngày thứ hai hàng tuần.

TP.HCM cũng đã ban hành quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. 

Khi thực hiện nhiệm vụ, công chức phải mặc trang phục lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục được quy định như sau: Đối với nam: mặc quần tây, áo sơ mi; Đối với nữ: mặc quần tây; váy dài (chiều dài váy tối thiểu ngang gối), áo sơmi (áo có tay); comple; bộ áo dài truyền thống. 

Độc giả gửi ý kiến về địa chỉ [email protected]. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của VietNamnet. Xin chân thành cảm ơn.

 B.N

Bộ Nội vụ quy định công chức, viên chức không mặc quần bò đi làm

Bộ Nội vụ quy định công chức, viên chức không mặc quần bò đi làm

Bộ Nội vụ yêu cầu trang phục của công chức, viên chức, người lao động khi đi làm phải lịch sự, không được mặc quần bò, váy dài quá đầu gối và không xẻ tà quá cao.