Liên quan đến việc thực hiện cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp do Bộ Công an triển khai, Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục C06 hôm nay (11/5) cho biết, lực lượng công an các địa phương trên toàn quốc đã thu thập hồ sơ và cấp 43 triệu CCCD gắn chíp.
"Theo mục tiêu đề ra là phải hoàn thành việc làm 50 triệu CCCD trước ngày 1/7, đến nay, tiến độ cấp căn cước đã đảm bảo và lực lượng công an các tỉnh vẫn tiếp tục nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra", Đại tá Thắng nói.
Phó Cục trưởng Cục C06 cho biết, việc cấp CCCD gắn chíp nằm trong đề án xây dựng cơ sở dữ liệu CCCD thống nhất trên toàn quốc, thực hiện thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký CCCD tự động trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất.
Lực lượng công an huyện Sóc Sơn cấp CCCD gắn chip cho nhân dân |
Đề án trên đi vào vận hành sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về CCCD , tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự. Thành công của đề án góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đặc biệt, đề án này góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
"Công an các tỉnh trên toàn quốc đang làm việc hết sức trách nhiệm để cấp CCCD gắn chíp, dự kiến ngày 1/7 sẽ đưa hệ thống vào sử dụng, chính thức kết nối, chia sẻ với các bộ ngành để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính", lời Đại tá Thắng.
Trước đó, ngày 25/2, Bộ Công an chính thức nhấn nút khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân được thực hiện theo Luật Căn cước công dân, đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.
Liên quan đến việc thực hiện hai dự án trên, Bộ Công an cho biết đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (đơn vị chủ trì về công nghệ cho hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) và các đơn vị liên quan khác.
Thiết kế chi tiết của hai hệ thống được phê duyệt với nguyên tắc chung là bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí; thiết kế hệ thống căn cước công dân theo mô hình kế thừa đảm bảo tận dụng tối đa hiệu quả từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, rà soát, tận dụng dùng chung hạ tầng cơ sở, thiết bị mạng, bảo mật, hạ tầng truyền dẫn của Bộ Công an…
Về việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân, sau một thời gian triển khai, đến nay, cơ bản đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư trên toàn quốc, triển khai nhiều giải pháp bảo đảm thông tin dân cư chính xác, cập nhật thường xuyên theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”.
Khi hai hệ thống đi vào hoạt động sẽ là đầu mối cung cấp thông tin về công dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện tám thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỷ/năm.
Đoàn Bổng
Những chiếc ghế cố định và chuyện cấp căn cước công dân ở vùng dịch Cẩm Giàng
Chiều ngày thứ Bảy, cán bộ chiến sỹ công an huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) khoan lỗ, bắt vít để cố định những chiếc ghế xuống mặt sân bê-tông. Hải Dương vẫn chưa hoàn toàn hết dịch Covid-19...