Chiều 22/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức giao ban về tình hình dịch bệnh với các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Báo cáo tại buổi họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nhận định, khả năng Omicron đang là biến thể áp đảo tại TP.HCM, thay thế biến thể Delta. Ông thông tin, nguy cơ biến thế BA.2 (Omicron tàng hình ) đã tồn tại trên địa bàn, nhưng cần những nghiên cứu, đánh giá sâu hơn.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (Ảnh: SGGP) |
Đứng trước nhận định của Giám đốc sở Y tế, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu ngành y tế cùng các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu sâu về biến chủng tàng hình. Sớm chuẩn bị kịch bản trong trường hợp biến thể mới này xuất hiện và cần dự tính cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
"Chúng ta có cảm giác và dường như biến thể này đang có trong cộng đồng. Do đó, cần chuẩn bị kịch bản cho tình huống nếu biến thể này không được phát hiện ra ngay cả khi xét nghiệm, khi vắc xin không bảo vệ được chúng ta", ông Nguyễn Văn Nên cảnh báo.
Theo người đứng đầu Thành ủy, đã biết biến thể tàng hình có trong cộng đồng mà không biết cách gì để phát hiện, chưa biết nó thế nào thì cần chủ động kịch bản ứng phó; để không lúng túng, để khi xuất hiện có bài vở sẵn sàng ứng phó, không mất thời gian.
“Điều này TP.HCM đã có kinh nghiệm trong thời gian ứng phó khi dịch bùng phát thời gian qua”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Số ca mắc mới đang tăng nhanh
Cũng tại buổi họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, số ca mắc Covid-19 trong ngày của TP lên trên 1.300 trường hợp, tăng gấp 4 lần so với mức trung bình hàng ngày của 3 tuần trước đó.
Trong đó, số ca mắc Covid-19 ở trường học tăng và ở độ tuổi trẻ em, đặc biệt là người dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin. Số ca chuyển nặng đang có chiều hướng giảm, số trường hợp tử vong trong những tuần qua ở mức dưới 4 trường hợp/ngày.
Qua báo cáo giải trình tự gene cho thấy, biến thể Omicron đang chiếm đa số (chiếm tỷ lệ 3/4), còn biến thể Delta trở thành thiểu số (1/4).
Theo Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên, trong triển khai chiến dịch bảo vệ nhóm người nguy cơ cao cần bổ sung vào đối tượng là trẻ em |
Theo ông Nguyễn Văn Nên, khi lưu lượng học sinh trở lại trường học đông, lại trong điều kiện tiếp xúc gần với nhau, cộng với biến thể mới nên số trường hợp mắc Covid-19 tăng lên là điều không bất ngờ, đã nằm trong dự tính.
“Tuy vậy, không thể chủ quan, không thể xem thường, mà phải tính toán các giải pháp phù hợp trong thời gian tới”, Bí thư Thành ủy yêu cầu.
Theo ông Nên, vắc xin và thuốc vẫn là vũ khí quan trọng để ngăn chặn sự lây lan Covid-19. Trong đó, ông yêu cầu phải tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân (từ ngày 7-29/2); chuẩn bị tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi càng sớm càng tốt và tiêm cho những người còn lại, nhất là người có nguy cơ cao. Cùng với đó, chuẩn bị phân phối thuốc điều trị Covid-19, phủ nhanh thuốc trên địa bàn TP.HCM.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, phải tiếp tục chiến dịch bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao. Đặc biệt, ông yêu cầu trong chiến dịch này, cần bổ sung đối tượng là trẻ em, vì trẻ em chưa tự bảo vệ mình được, chưa tự thực hiện 5K như người lớn.
“Phải chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19 để chăm sóc một cách chu đáo; tăng cường truyền thông, tư vấn, hỗ trợ từ cơ sở, từ pháo đài, từ bác sĩ ; tiếp tục hướng dẫn quy trình xử lý F0 trong cộng đồng theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT.
Qua đó, ông đề nghị Ban chỉ đạo TP và các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai giao nhiệm vụ cụ thể đến từng pháo đài, thực hiện theo kế hoạch đưa ra, để mỗi người dân có thông tin tương đối đầy đủ về thực trạng, diễn biến hiện nay, tạo sự đồng thuận thì mới đạt kết quả đề ra .
TP.HCM chỉ còn 1 phường cấp độ 3 về dịch Covid-19
Theo công bố cấp độ dịch tuần mới nhất, TP.HCM có 1 phường cấp độ 3 và không có địa phương nào cấp độ 4.
Hồ Văn