Chiều nay (8/10), Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với bão số 7.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, bão có thể mạnh nhất đạt cấp 9 trên biển và trên Vịnh Bắc Bộ.
Khoảng chiều tối đến đêm mai (9/10), bão đi vào Vịnh Bắc Bộ. Dự báo, bão có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đi vào đất liền đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Dự báo hướng đi của bão số 7. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai |
Các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vỹ đề phòng gió mạnh cấp 7-8, riêng Bạch Long Vĩ có khả năng cấp 9, giật cấp 11.
Các huyện đảo và các đảo ven bờ thuộc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Trên đất liền vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có khả năng gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 do ảnh hưởng của bão kết hợp không khí lạnh.
Mực nước triều tại ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang có xu hướng tăng (đỉnh triều xuất hiện vào sáng ngày 11/10).
Trên các sông ở Bắc Bộ xuất hiện một đợt lũ với biên độ từ 2-4m, đỉnh lũ trên thượng lưu các sông suối nhỏ đạt mức BĐ1 và trên BĐ1.
Đỉnh lũ trên thượng lưu các sông ở Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, các sông ở Quảng Bình lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; đỉnh lũ hạ lưu các sông ở Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức BĐ1 và trên BĐ1.
Từ chiều 9-11/10, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa 150-250mm, có nơi trên 300mm. Từ ngày 10-11/10, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Ngày 10-12/10, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm, có nơi trên 350mm.
Hà Nội có nguy cơ ngập úng |
Với kịch bản mưa lũ trên sẽ có khoảng 7 tỉnh Bắc Bộ, khu đô thị và 33 huyện ở Bắc Trung Bộ có nguy cơ ngập úng cục bộ gồm: Thái Nguyên, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Ngoài ra sẽ có khoảng 32 huyện có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh: Quảng Ninh, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã sẵn sàng phương án sơ tán dân trong tình huống dịch Covid-19. Dự kiến sẵn sàng sơ tán 70.440 hộ/260.722 người dân.
Đồng thời, đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh. Các khu vực cách ly đã có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ.
Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh, hướng đi cường độ bão còn diễn biến phức tạp, do đó cần rà soát lại toàn bộ tàu thuyền đánh bắt xa bờ và gần bờ bởi bài học năm 1996 ở Thanh Hóa cũng có cơn bão mạnh lên từ thành áp thấp nhiệt đới, gây mất tích và chết 54 người.
Ông Hoài đề nghị các địa phương theo sát dự báo về bão để tổ chức sơ tán dân sát thực tế, tránh trường hợp di dần hàng loạt xong bão không vào, đồng thời di dân phải đảm bảo phòng chống dịch.
“Các tỉnh rà soát những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Đồng thời, chỉ đạo các hồ thủy lợi, thủy điện xả lũ đúng quy trình, thông báo kịp thời cho người dân”, ông Hoài nói.
Hương Quỳnh
Bão số 7 liên tục đổi hướng, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa to
Bão số 7 có hướng di chuyển thay đổi trong những giờ tới. Khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau đó đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.