LTS: Nhà báo Nguyễn Xuân Lương – Vụ trưởng, nguyên Chánh Văn phòng và Trưởng ban Quốc tế của Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ về sứ mệnh của báo chí trong phần tiếp theo của loạt bài "Báo chí chung tay làm sạch chính mình".

Không có quyền lực gì ngoài phục vụ đất nước, nhân dân

Thời gian qua hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại liên quan tới đạo đức, tác phong của người làm báo, là “những con sâu làm rầu nồi canh”. Ông có suy nghĩ gì về tình trạng này?

Những năm qua, báo chí đã có đóng góp to lớn, tích cực trong vai trò cầu nối giữa Đảng, Chính phủ, các tổ chức đoàn thể xã hội với công chúng trong mọi vấn đề của đời sống đương đại. Đó là ghi nhận cần được khẳng định.

{keywords}
Nhà báo Nguyễn Xuân Lương.

Tương tự tấm huân chương có mặt trước, mặt sau. Mỗi tờ báo, tạp chí… đều có tôn chỉ mục đích rõ ràng, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã có 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bên cạnh mặt tốt, tích cực, nêu gương sáng về đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo, nơi này nơi khác đã xuất hiện với tần suất tương đối dày một số vi phạm thuộc về đạo đức nghề nghiệp như tống tiền doanh nghiệp; viết sai sự thật cốt để vòi vĩnh, mưu lợi cá nhân hay một nhóm người làm báo nào đó. 

Tuy là số ít, không phổ biến nhưng tính chất của vấn đề là nguy hiểm, đụng chạm đến bản chất tốt đẹp, cao quý của nghề báo, của Hội Nhà báo Việt Nam - tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của làng báo cả nước. 

Nhiều người làm báo cảm thấy báo chí có quyền lực và khi ngộ nhận về quyền lực thì dễ sử dụng quyền lực ấy một cách sai trái. Theo ông, làm thế nào để báo chí không đánh mất vai trò của mình, không trở thành công cụ cho những mục đích sai trái, gây hại cho xã hội?

Tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gần đây nhấn mạnh nhiệm vụ quan trong của toàn Đảng, của hệ thống chính trị là tăng cường hơn nữa việc kiểm soát quyền lực đối với những người có chức, có quyền nhằm ngăn chặn họ đi quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã được quy định tương ứng. Đó là yêu cầu cần thiết, yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Trong chế độ mới, Đảng ta và Bác Hồ nhấn mạnh quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Mặt trận Tổ quốc thực hiện chức năng giám sát và phản biện. Mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên khi được giao trọng trách dù với cương vị nào cũng phải phấn đấu hết lòng, hết sức thượng tôn pháp luật, hoàn thành có chất lượng hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Báo chí cách mạng không có quyền lực gì ngoài quyền lực phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Người làm báo của nền báo chí cách mạng chớ tự cho mình có quyền lực - kiểu quyền lực thứ 4, sau quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp như quan niệm của báo chí phương Tây.

Người làm báo của chế độ ta, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý nếu tự vỗ ngực cho mình có quyền lực, tự tung tự tác, muốn đánh ai thì đánh, hạ bệ người này, tâng bốc người khác để mưu lợi riêng, sớm muộn cũng sẽ bị loại bỏ, thải hồi khỏi guồng quay của một xã hội luôn lấy phụng sự nhân dân làm điều tối thượng.

Theo ông, trong thời đại hiện nay, đâu là phẩm chất cần thiết nhất của một nhà báo ngoài “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” như vẫn thường nói?

Nói “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” là đầy đủ cả về phẩm chất - đạo đức nghề nghiệp và năng lực - kỹ năng tác nghiệp, đó cũng là yêu cầu cần có đối với những người làm báo.

Tuy nhiên điều này chưa thật đầy đủ trong giai đoạn nền kinh tế cả nước vận hành theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa với không ít diễn biến khó lường.

Nhằm đáp ứng yêu cầu mới, tôi nghĩ người làm báo cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu kiến thức về nhiều lĩnh vực, trước hết là kinh tế - xã hội. Có kỹ năng nghề nghiệp, thông minh, sáng tạo; có 1-2 ngoại ngữ cần thiết và thông thạo công nghệ thông tin. Ứng xử có văn hóa, thông minh, uyển chuyển cũng là điều cần có. Cố nhiên, tùy từng người, từng việc, từng thời điểm để xác định mức độ đậm nhạt khác nhau.

Vun đắp lòng tin trong từng bài báo, câu chữ

Có thể nói tài sản quý giá nhất của tờ báo và nhiều nhà báo chính là lòng tin của người dân. Vậy theo ông, để có được niềm tin của công chúng thì các tờ báo, nhà báo cần làm gì?

Đây là câu hỏi thú vị. Lòng tin của một tờ báo (cơ quan báo chí) và cá nhân nhà báo không chỉ là tài sản quý nhất mà còn là sang trọng nữa. Xưa cũng như nay. Bất luận nghề gì, việc gì trên hết, trước hết đều phải có lòng tin. Lòng tin, đức tin không ở trên trời rơi xuống, dưới biển nhô lên. Nó ở ngay trong trái tim mỗi người chúng ta.

{keywords}
Phóng viên Việt Nam tác nghiệp tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN vào tháng 2/2020. Ảnh: Trần Thường

Cha ông ta nói “Có thực mới vực được đạo”. Tương tự trong mọi công việc, nhất là nghề báo vốn gắn bó mật thiết với lĩnh vực văn hóa càng phải coi trọng vun đắp đức tin, lòng tin trong từng bài báo, câu chữ, trang báo, số báo.

Tóm lại, để tạo lòng tin, trước hết phải trung thực, nhanh nhạy trong tin bài. Sau là tính chiến đấu, hấp dẫn, tính bổ ích, tính hiệu quả, luôn đứng về nhân dân, bảo vệ lẽ phải, công lý, lắng nghe và thấm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của người dân. Người dân, công chúng coi tờ báo là người bạn tâm tình, tin cậy của họ, mọi lúc, mọi nơi, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Về hình thức trình bày đẹp, sáng sủa, giá báo phải chăng…

Nghề báo là nghề với các tiêu chuẩn đạo đức rất cao. Chọn nghề báo là đã chọn cho mình một sứ mệnh? Ông đồng ý với quan điểm này chứ? Theo ông sứ mệnh của báo chí hiện nay là gì?

Đúng, nghề báo là một sứ mệnh, sứ mệnh chiến đấu vô cùng vẻ vang. Nền báo chí cách mạng Việt Nam là nền báo chí giàu sức chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước, dân tộc và lợi ích của nhân dân.

Sứ mệnh đó đặt lên vai đội ngũ những người làm báo cách mạng, nếu xa rời nó, đi chệch hướng, chạy theo đồng tiền và những quyền lợi vị kỷ, người làm báo đã tự đánh mất sứ mệnh vinh quang của mình, sứ mệnh của nền báo chí cách mạng, do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước.

Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng từng phát biểu rằng “Để củng cố và nâng cao uy tín của báo chí cách mạng của những tờ báo - chúng ta phải vượt qua những chuyện tầm thường rồi mới nói sứ mệnh cao cả”. Ông nghĩ sao về ý kiến này? Cần phải làm gì để vượt qua những chuyện tầm thường như ông Võ Văn Thưởng nói?

Tôi hiểu chữ “tầm thường” ở đây chính là vượt qua những cạm bẫy cá nhân, chạy theo đồng tiền; lợi dụng nghề báo để kiếm chác, để vòi vĩnh, để tống tiền, hù dọa nhận bao thư, kiếm “đất vàng”.

Đã có không ít nhà báo, cộng tác viên báo chí “ngo ngoe” danh xưng nhà báo để làm chuyện tầm thường như vừa nêu, sinh ra hư hỏng, đánh mất phẩm giá, vi phạm pháp luật, bị người đời coi khinh, đồng nghiệp chân chính né tránh, chê trách.

Để vượt qua sự tầm thường, người làm báo phải tự rèn luyện, tu dưỡng, học tập và noi theo tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, trước hết là các Tổng Biên tập phải nêu gương sáng về đạo đức nghề nghiệp, kiên quyết xử lý, loại khỏi đội ngũ những người làm báo “tầm thường”  lười học tập, viết báo qua loa, coi nghề báo chỉ là cái cần câu vụ lợi và kiếm chác…

Báo chí cần tạo sức mạnh tinh thần, năng lượng tích cực cho xã hội

Báo chí cần tạo sức mạnh tinh thần, năng lượng tích cực cho xã hội

Nhà báo phải thực sự chuyên nghiệp, giỏi tác nghiệp trong thế giới truyền thông hiện đại. Hơn hết báo chí và nhà báo phải rất mẫn cảm, kịp thời phản bác mạnh mẽ những thông tin độc hại.

Hương Quỳnh (thực hiện)