Sáng nay (15/10), Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ tại Trung Bộ.

Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, thời điểm hiện tại ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) không mưa, sáng và trưa nay thời tiết tương đối ổn định, lượng mưa bé; từ tối nay mưa quay trở lại.

{keywords}
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm.

Ông Khiêm cho biết, sau cơn bão số 7, gió Đông đi vào kết hợp với không khí lạnh, tại khu vực Bắc Bộ dự kiến tiếp tục có mưa trong hôm nay và ngày mai. Khu vực Đông Bắc và Thanh Hoá lượng mưa từ 100-150mm; Quảng Ninh từ 150-200mm; đồng bằng Bắc Bộ và Hoà Bình từ 50-100mm.

Trong một diễn biến khác, sáng nay áp thấp nhiệt đới đã vào Biển Đông, tốc độ di chuyển tương đối nhanh.

Theo ông Khiêm, với tốc độ của áp thấp nhiệt đới như hiện nay thì sẽ kết hợp nhiều hình thế đang tồn tại. Đó là dải áp thấp nhiệt đới vắt qua khu vực Trung Trung Bộ; từ ngày mai và ngày kia có tăng cường của không khí lạnh, cường độ có thể đi tới Trung Trung Bộ, nguy cơ mưa rất lớn; áp cao cận nhiệt đới tiếp tục lấn tây tạo nhiễu động trên cao, kết hợp với không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới thường gây mưa lớn diện rộng ở miền Trung.

Ông Khiêm nhận định, cơn áp thấp nhiệt đới này khả năng hình thành bão không quá cao, dự định 50-60% vì tuỳ thuộc không khí lạnh xuống khống chế, có thể chỉ dừng ở áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, áp thấp nhiệt đới này kết hợp hoàn lưu các hình thế trên sẽ gây mưa khá lớn.

Ông lưu ý trong 2 -3 ngày tới có gió mạnh ở Biển Đông, tàu thuyền hoạt động trong khu vực cần theo dõi thông tin để đảm bảo an toàn.

{keywords}
Dự báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF

Lãnh đạo Trung tâm dự báo khí tượng đưa ra nhận định, tại các tỉnh miền Trung mưa lớn diện rộng có thể xuất hiện từ chiều tối nay và kéo dài đến ngày 20/10 (tập trung từ ngày 17-19/10). Tại Hà Tĩnh-Quảng Bình lượng mưa từ 400-700mm, có nơi trên 700mm; Quảng Trị - Thừa Thiên Huế từ 300-500mm, có nơi trên 500mm; Đà Nẵng đến Phú Yên từ 200-400mm.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, hiện mưa lũ tại miền Trung đã làm 40 người chết, 8 người mất tích. Có 585 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 135.731 nhà bị ngập; 137 điểm Quốc lộ, 14.737m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng; tuyến đường sắt Hà Nội-Đông Hà bị chia cắt đến ngày 14/10 mới thông tuyến…

Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 6.500 tấn gạo; 5,5 tấn lương khô; 20.000 thùng mỳ tôm; Các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Ban Chỉ đạo đã tổng hợp nhu cầu và có văn bản gửi các bộ ngành liên quan đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.

Không được chủ quan 

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, trong trong vòng nửa tháng gần đây, đặc biệt từ ngày 5/10 đến nay xuất hiện nhiều hình thái bất lợi về thiên tai, từ hậu quả tác động của bão số 5 - áp thấp nhiệt đới - bão số 6 và số 7.

{keywords}
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Trong thời gian rất ngắn các hiện tượng dị thường trùng lặp cùng một thời điểm, đây là điểm đáng chú ý. Phạm vi gây thiệt hại vào vùng trọng điểm Trung Bộ - vùng rất dễ tổn thương vì có các lưu vực sông dày đặc nhưng ngắn, độ dốc cao, gây thiệt hại nặng nề.

Bộ trưởng cho rằng, chúng ta đã cố gắng rất lớn ứng phó thiên tai trong 15 ngày vừa qua, bây giờ vừa khắc phục và chuẩn bị các bước ứng phó nếu xảy ra cơn bão số 8.

Để ứng phó với hoàn lưu bão số 7, Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh ven biển của đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng và khu vực Đông Bắc không được chủ quan trước diễn biến của mưa. Cần theo dõi chặt chẽ hồ, đặc biệt là hồ thuỷ điện.

Bộ trưởng yêu cầu tập trung phục hồi đời sống nhân dân, chuẩn bị tích cực nhất để ứng phó với hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới hay bão số 8 sắp tới. Đồng thời quyết liệt cứu hộ cứu nạn tại thuỷ điện Rào Trăng 3 và trạm kiểm lâm 67.

Ông cũng yêu cầu Trung tâm dự báo khí tượng cần dự báo cố gắng sát nhất; Bộ Công Thương kiểm tra lũ rút đến đâu thì cần phục hồi điện; các đơn vị tiếp tục phương châm 4 tại chỗ…

Hiện trường lở núi san phẳng nhà điều hành Thủy điện Rào Trăng 3

Hiện trường lở núi san phẳng nhà điều hành Thủy điện Rào Trăng 3

Ngọn đồi đổ sập, vùi lấp nhà điều hành Thủy điện Rào Trăng 3 khiến 1 người chết và 16 người mất tích. Sau sự cố, nhà điều hành không còn dấu tích, xe cẩu, máy móc nằm chỏng chơ.  

Hương Quỳnh