Đừng nghĩ cái chuyện ăn sự uống là nhỏ kiểu như “miếng ăn quá khẩu thành tàn” như quan niệm thông thường xưa nay.

Trước đợt giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16 áp dụng với Hà Nội, tôi có chuyến đi dài ngày để sáng tác ở một khu nhà vườn ở mạn Sóc Sơn. Anh bạn luật sư chủ nhà vốn là bạn học mấy chục năm của tôi, con cái đã lớn ở riêng và vợ đang ở thành phố nên mọi sinh hoạt bếp núc lo cho bữa ăn hàng ngày anh đều phải chủ động. Tôi vốn quen nếp sinh hoạt cũ ở nhà không đụng chân tay bất cứ việc gì nên việc nấu nướng hoàn toàn mù tịt.

Hàng ngày vị luật sư vẫn đến văn phòng ở thành phố nên anh dạy tôi cách sử dụng bếp, hướng dẫn mọi cách thức để tôi có thể tự nấu ăn được khi anh đi vắng. Từ nhỏ đến giờ chưa phải làm bếp nên tôi cực kỳ lúng túng. Nhưng nói gì thì nói, người Việt luôn là những người nhanh nhạy thích ứng hoàn cảnh và tôi cũng không ngoài quy luật ấy.

Tôi học rất nhanh. Thức ăn cũng chả khó. Ăn xong rửa bát là thứ công việc tôi ngại nhất nhưng rồi cũng phải làm vì chẳng có ai làm hộ. Xong.

{keywords}
 

Vị luật sư dẫn tôi ra chợ chỉ dẫn cách thức chợ búa. Hàng rau, hàng thịt, hàng cá, hàng dưa cà mắm muối, hoa quả. Đồ ăn sáng, bánh cuốn, bánh giò, bánh mỳ, xôi… từng hàng rành rẽ. Tôi được cái tinh ranh nên nhập tâm tốt chỉ vài buổi chợ đã thông thạo và quen thân với cánh buôn bán ở chợ, chuyện như pháo rang. Lần đầu đi chợ lại là chợ quê cũng thấy thinh thích và thật sự thấy giá cả rất rẻ và hàng hóa tươi ngon. Mới biết sống ở nông thôn thật thú. Lâu nay cứ cố chen chúc thành phố chật chội là vô cùng dại dột. Ai có điều kiện nên kiếm ngôi nhà vùng ven đô để ở đảm bảo sướng.

Vậy là với bữa ăn ngày giãn cách tôi đã hoàn toàn chủ động được. Chỉ có một trục trặc nho nhỏ là anh chủ nhà vốn cũng chả tài giỏi bếp núc gì chỉ là hoàn cảnh tạo nên cho anh thói quen ấy mà thôi nên anh ăn uống theo sở thích của mình, tinh món luộc. Kiểu như luộc thịt xong thì thả mướp, bí hay rau vào nấu lên là xong. Vì vậy kinh nghiệm anh truyền dạy cho tôi chỉ nhõn có thế. Chao ôi được vài bữa tôi ngán món luộc nấu kinh điển đó của anh đến tận cổ. Tôi bèn tìm cách thay đổi.

Thời buổi công nghệ, tôi vào mạng tìm hiểu. Thế giới bếp núc thật vĩ đại. Tôi học được các món từ những đầu bếp cả nổi tiếng lẫn vô danh. Ăn uống thực chất cũng đòi hỏi sáng tạo vậy là tôi hứng khởi sáng tác những món tôi tìm hiểu được. Chỉ thị 16 được thành phố áp dụng, anh bạn luật sư phải nghỉ một số ngày ở nhà vì lịch làm việc đảo lộn ngạc nhiên khi thấy tôi thi triển những món xào, rán kỳ công. Tôi kho được thịt, trứng kiểu truyền thống. Những món khó như sốt vang, riêu cá, giả cầy… tôi làm ngon bơ. Anh bạn tròn mắt ngạc nhiên rồi kết luận chắc khừ, ông có tâm hồn ăn uống và cực năng khiếu bếp núc, lâu nay ông chỉ là lười quen ăn sẵn nên dốt vậy thôi. Tôi sướng phổng mũi.

Ở quê vườn tược rộng rãi nên anh bạn có điều kiện ngâm trữ rượu. Vô số chum vò rượu nấu lâu niên. Lâu nay cứ miết món rượu tây nên bỏ quên rượu ta, công nhận  ngon và rẻ. Vậy là trong thời gian giãn cách, chúng tôi đều có những bữa ăn tuy đơn sơ nhưng ngon lành như đại tiệc có đủ rượu các loại đánh chén tưng bừng. Tính ra bữa ăn quê thậm chí chỉ ngang bằng bữa ăn thành phố ngoài quán bình dân nơi dân văn phòng và lao động tự do lựa chọn hàng ngày. Quá lợi lạc và còn điều này, không chỉ tôi còn vô số người khác nữa, cái sự giãn cách chẳng ai muốn lại là cơ hội để bản thân có những thay đổi thích nghi rất đáng khuyến khích. Như tôi là khả năng bếp núc đã trở nên có thiên hướng phát triển thành đầu bếp thiện nghệ.

{keywords}
 

Đang dịch dã nói chuyện ăn uống e có phần nào thiếu tế nhị nhưng chủ đề bài là như vậy thì cũng phải viết cho trọn ý. Ở làng nhờ có việc không cấm chợ dân sinh nên hầu như ngôi làng tôi đang tá túc mọi sinh hoạt không hề bị đảo lộn. Chỉ có những đám như giỗ chạp, hiếu hỷ là bị hạn chế. Cũng phải, tuân thủ giãn cách người nông thôn thực hiện tốt có lẽ hơn người thành phố. Chiều chạng vạng trong làng không còn cảnh khói bếp rơm rạ thơ mộng như xưa nhưng mùi xào nấu rộn rã tỏa hương cũng đủ gợi sự êm đềm làng quê thanh bình.

Có điều này suy từ nhà tôi đến nhà anh bạn, tôi thấy đều có tủ lạnh và thêm tủ cấp đông trữ thức ăn. Có thể giải thích là một thời dân ta bị nạn thực phẩm bẩn hoành hành nên nhà nào cũng cố gắng tìm nguồn thức ăn sạch, đảm bảo hơn. Bởi thế mới phát sinh thêm tủ cấp đông để trữ thức ăn sạch. Tỷ như đụng nhau con lợn quê nuôi cám bã không thức ăn công nghiệp để cất ăn dần trong tủ đông. Nhờ vậy nên khi có dịch khi phải giãn cách thì cái tủ cấp đông kia là vô cùng tiện dụng. Chỗ trùng hợp này quả thật rất thú vị.

Hàng ngày đọc tin thấy một số vùng phong tỏa, giãn cách có không ít người dân lao động không có tài chính tích trữ nên bị lao đao vì bữa ăn hàng ngày. Đó là những nơi dịch nặng nề, các chợ đầu mối, dân sinh bị phong tỏa nên nguồn thực phẩm, lương thực cung ứng không kịp, không đầy đủ. Bữa ăn của dân ta lâu nay được nâng cao chất lượng nên dù là dân nghèo thì cũng vẫn đủ rau thịt cá sinh tồn, giờ dịch dã mới thấy hết bữa ăn là quan trọng như nào. Còn may là dân ta vốn trọng đạo nghĩa “lá lành đùm lá rách” nên trong dịch mới xuất hiện những đội quân cứu trợ tương thân tương ái, san sẻ nhau từng bữa ăn thật đáng trân trọng.

Chuyện ăn uống ngày giãn cách quả thật bây giờ là chuyện hệ trọng hơn nhiều lần với cái nghĩa ăn uống thông thường và nó là chuyện lớn cần phải được quan tâm, giải quyết. Nói gì thì nói, chính sách chỉ đạo của chính quyền từng nơi là quyết sách đảm bảo được bữa ăn cho dân hay không. Hy vọng bằng quyết sách nhạy bén của từng địa phương, với những điều chỉnh hợp lý, người dân vẫn đảm bảo có những bữa ăn phù hợp với hoàn cảnh để vượt qua đại dịch.

Viết đến đây tự nhiên tôi nhớ lại hình ảnh phát trên VTV hôm rồi. Từng đoàn người rồng rắn đi xe máy rời thành phố Sài Gòn tránh dịch về quê đi qua các địa phương được bao bọc dù chỉ là bữa ăn tạm và chai nước uống. Hình ảnh giản dị, chân thực gieo vào tôi sự xúc động rất đỗi ấm lòng.

Giãn cách rồi sẽ hết, đại dịch rồi sẽ qua nhưng những hình ảnh như tôi vừa kể chắc chắn sẽ còn đọng lại trong tâm trí nhiều người như một dấu ấn khó quên về tình nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn. Không hề nhỏ, sự ăn uống ngày giãn cách.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến