Đúng ngày mùng 2 Tết Bính Thân, tức ngày 9/2, một vụ án mạng xảy ra tại thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Người chồng sau khi uống rượu đã chửi bới, xúc phạm và đuổi đánh vợ khiến bà vợ phải chui vào trong phòng, kéo két bạc để chèn cửa. Đây không phải là lần đầu tiên người chồng này đánh vợ. Ngày nào việc chửi bới cũng diễn ra như cơm bữa...
Lấy chồng từ thuở còn thơ
Nguyễn Thị Mai, SN 1961, quê gốc Đông Anh, Hà Nội. Người phụ nữ này có một tuổi thơ nghèo khó vì cha mất sớm. Thuở ấy, anh bộ đội Lê Huy Ngự, SN 1957, quê Hải Dương, đóng quân ngay gần nơi Mai làm nghề thêu ren. Cũng chả yêu nhau ngày nào cho ra đầu ra đũa, vài dăm câu dạm hỏi, thế là theo về Hải Dương làm vợ.
Nguyễn Thị Mai tại cơ quan Công an. |
17 tuổi đã lấy chồng, phụ nữ thời cũ như bà Mai, nhập nhằng 18-20 mà chưa ai hỏi là có nguy cơ cao lọt vào vòng ế. Một trong những nguyên nhân khiến bà Mai lấy chồng sớm là vì gia đình khó khăn quá, về nhà người ta tức là đã giúp gia đình tháo ngòi quả bom.
Từ khi lấy chồng đến giờ, bà Mai cũng chỉ biết làm ruộng, trồng rau. Ba cô con gái ra đời, rồi lần lượt sinh cho bà tới 7 đứa cháu. Mỗi người có một lộc, bà Mai được lộc con cái 5 năm trước, một trong ba cô con gái đang ở nước ngoài gửi tiền về xây cho vợ chồng bà Mai ngôi nhà khang trang, to đẹp, còn trước đó, gia đình bà phải tá túc trong ngôi nhà cấp bốn, mà mỗi lần nghĩ lại, bà lại thấy rùng mình ớn lạnh vì những trận đòn của chồng ở ngôi nhà cũ.
Vết sẹo ở cánh tay và trên đầu bà Mai do bị chồng đánh. |
Đơn giản là mỗi lần đánh vợ, ông Ngự chèn kín các cửa, bà Mai có chạy đằng trời, đành cam chịu những cú đòn thù cho đến khi nào ông chồng cảm thấy chán và mệt thì dừng lại. Từ khi sang nhà mới, có phòng ốc, cửa giả đàng hoàng, mỗi lần bị đánh, bà Mai có một cách duy nhất là chui vào trong phòng và kéo két bạc chặn cửa. Rồi đợi một vài tiếng, khi nào không nghe thấy tiếng chửi rủa nữa thì len lén đi ra.
Chiều mùng 2 Tết cũng vậy. Vừa đi hái rau về thì bà Mai bị chồng đòi đưa tiền. Khi đó, ông Ngự đã uống rượu say. Không có tiền đưa cho chồng, bà Mai lập tức bị chửi bới và đuổi đánh. Vẫn bài cũ, bà Mai chạy vào trong phòng trốn.
Ông Ngự sau một hồi đập cửa không được thì ra phòng ngoài ngồi. Khốn nạn cho người vợ này, bà chưa định ra ngoài đâu, dù đã không nghe thấy tiếng ông chồng gào thét nữa, nhưng vì bà buồn đi tiểu, nên buộc phải mở cửa để lấy cái chậu vào, định là đi vệ sinh trong phòng để tiếp tục trốn chồng. Chẳng ngờ ông Ngự phát hiện ra vợ, tiếp tục chửi mắng và lao đến đánh.
Trong lúc xô xát, bà Mai chộp được con dao, và hậu quả xấu nhất đã xảy ra. Ông chồng chửi câu cuối cùng trước khi từ giã cuối đời: "Mẹ mày, mày đâm tao rồi". Bà Mai sợ quá, vội vàng chạy ra cổng hô hoán mọi người tới giúp, nhưng đã quá muộn.
Người đàn bà ấy đã lên cơ quan công an đầu thú ngay sau đó. Theo tài liệu điều tra của cơ quan Công an, nạn nhân Lê Huy Ngự đi đánh bạc và bị thua cháy túi vào tối 6/2. Trong mấy ngày liên tiếp sau đó, ông Ngự thường xuyên uống rượu, chửi bới, bắt vợ phải đưa tiền, cho đến chiều 9/2 thì xảy ra sự việc đau lòng.
Hãn hữu mới có một ngày bình yên
Mai là người phụ nữ thứ hai ở Hải Dương mà chúng tôi đã gặp trong hoàn cảnh tương tự. Trước đó, một người phụ nữ ở Ninh Giang cũng vung dao tự cứu mình trước ngón đòn thù của chồng, đã vô tình cướp đi sinh mạng ông chồng nát rượu và có sở thích hành hạ vợ.
Họ có đặc điểm chung là chịu thương chịu khó, đều một mình bươn chải, gánh vác việc lớn trong nhà. Và họ còn giống nhau cơ bản là không dám phá cái luật "xuất giá tòng phu" nghìn năm nay đã ăn sâu vào óc. Họ cam chịu bị chồng đánh đập vô cớ, bị xúc phạm vô cớ, cho đến khi giọt nước tràn ly.
Họ bỗng nhiên một ngày mặc áo tù, dù trước đó, họ luôn là những người đàn bà nhịn nhục, luôn giành phần thua thiệt về mình.
Trên người bà Mai, sẹo mới chồng sẹo cũ. Cánh tay trái của người đàn bà này đã từng phải bó bột một lần vì bị chồng đánh gãy. Trên đầu bà Mai có ba vết sẹo chạy dài. Bà vạch mái tóc bạc hết một nửa cho chúng tôi xem những vết sẹo. Nhìn gương mặt đầy đặn, phúc hậu, không ai nghĩ cuộc đời người đàn bà này lại oan trái đến vậy.
Tôi hỏi bà Mai, sao không nghĩ đến việc ly hôn, người đàn bà này trả lời: Hồi trẻ thì con còn nhỏ, bây giờ già rồi, biết đi đâu. Ở cùng con gái thì lại ngại con rể. Bình thường không sao, nhỡ chúng nó cãi nhau, nó lại nói nặng mình.
- Sau khi lấy nhau thì vợ chồng chị làm nghề gì để sinh sống?
Tôi thì làm nông nghiệp, còn ông ấy thì chưa bao giờ làm gì. Cứ nhong nhóng chơi suốt ngày thôi. Tôi đẻ 3 cháu đều được ông bà nội cưu mang. Trước ông nội đi tàu, còn bà nội làm hàng xáo. Tôi mà không có các cụ đỡ đần thì vất vả lắm.
- Nguyên nhân khiến ông Ngự thường xuyên chửi bới, đánh đập chị là gì?
Cứ hôm nào ông ấy đòi đưa tiền để chơi cờ bạc hay uống rượu mà tôi đưa thì ngày đó được bình yên, còn không thì lại bị chửi mắng, đánh đập. Nói thật là hãn hữu lắm mới có ngày bình yên, còn không thì ngày nào cũng bị chửi. Nhiều lúc, tôi bảo, thôi ông ạ, tôi già rồi chả sống được mấy nữa, ông cứ giày vò thế này tôi sống làm sao...
- Chiều 9/2, tại sao lại xảy ra cơ sự đau lòng vậy?
Sáng hôm đó ông ấy đòi tôi phải đưa 100 triệu đồng, nói là bán ngôi nhà cấp bốn cũ trước đây cho 4 mẹ con. Tôi bảo ông ấy, tôi không biết gì đâu, có gì nói chuyện với con gái lớn. Thế là ông ấy chửi, rồi phóng xe ra ngoài, khi về lại chửi tiếp, đến chiều, giá mà tôi không buồn đi vệ sinh thì không xảy ra cơ sự đâu.
- Các con chị có biết những việc này không? Có ai khuyên chị nên ly hôn không?
Có chứ, các cháu can không được, chúng nó khuyên tôi nên bỏ, nhưng tôi già rồi, bỏ thì biết đi đâu. Hồi trẻ thì con bé, bây giờ chả lẽ vào ở với con gái thì lại ngại con rể.
- Lần đầu tiên chị bị chồng đánh là khi nào?
Là sau khi lấy nhau được nửa tháng. Khổ quá, hồi ấy tôi ở với anh trai, nghèo quá mới phải lấy chồng. Khi tôi về nhà chồng, mọi người bảo, thôi con bé này vớ phải thằng này thì khổ rồi. Sau đó thì ông ấy cứ liên tục hành hạ. Trên đầu tôi giờ có 3 vết sẹo dài.
Một là bị phang đòn gánh, hai là bị ném đá, ba là bị chém. Cánh tay trái của tôi bị đánh gãy, sau khi bó thì nó cứ phồng lên như thế này. Có lần hồi ở nhà cũ, ông ấy mang hai chiếc xe máy đi bán, các con bảo, thôi giờ bố thay đổi đi thì mấy mẹ con làm lụng cho ông dưỡng già, nhưng ông ấy có chịu đâu.
- Chị thì làm nông, chồng thì không làm gì, lấy đâu ra tiền mà xây nhà to thế?
Của con gái đấy, chứ vợ chồng tôi thì lấy đâu ra. Từ hồi chuyển ra nhà mới, mỗi lần bị đánh tôi trốn vào phòng, chèn két bạc vào thì thoát, chứ ở nhà cũ không chạy được đi đâu, lần nào cũng lên bờ xuống ruộng. Tôi làm đồng áng về thì cũng muối dưa muối cà, nhưng có hôm quăng cả vại dưa chạy trốn. Nói thật với cán bộ chứ, tôi cứ nhìn thấy chồng là bủn rủn chân tay, đêm ngủ cũng nơm nớp, không biết bị đánh lúc nào.
- Hôm xảy ra sự việc, ở nhà chị có những ai?
Có mỗi hai đứa cháu ngoại ở nhà. Ai mà nghĩ được là dám đánh chồng. Giờ gần 60 tuổi rồi lại phải vào đây, thật cơ cực quá.
- Chị có tất cả mấy cháu ngoại?
Tôi có tổng cộng 7 cháu.
- Cuộc sống bất ổn như vậy, tại sao chị không tìm một giải pháp nào đó sớm hơn?
Chúng tôi ở quê, chỉ biết làm lụng nuôi con, giờ có tuổi thì trông nhà, trông cháu cho chúng nó. Nghĩ đời mình như thế là xong rồi nên cứ cố cho qua, để con cháu được vui vẻ, nào ngờ...
- Bây giờ, chị mong muốn điều gì?
Thôi thì vợ chồng ăn ở với nhau đến nay hơn 30 năm rồi. Trong từng ấy ngày, tôi nào dám làm điều gì sai, bây giờ cơ sự nó xảy ra thế, chỉ mong ông siêu thoát, phù hộ cho các con, các cháu khoẻ mạnh...
(Theo CAND)