Kinh phí này sẽ được sử dụng để đầu tư, phát triển hạ tầng các tuyến đường ra/vào cảng nhằm giải quyết bài toán kẹt xe trong điều kiện TP đang 'bức bí' nguồn vốn đầu tư.

Học tập Hải Phòng, TP.HCM muốn thu phí cảng biển

Theo Sở GTVT TP.HCM (đơn vị lập đề án), cảng biển TP.HCM là cảng biển tổng hợp đầu mối khu vực loại 1, đóng vai trò chủ đạo kết nối vận tải hàng hải của khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL với 4 khu cảng chính gồm: cảng Cát Lái, cảng Nhà Bè, cảng Hiệp Phước và khu cảng trên sông Sài Gòn. Trong đó, cảng Cát Lái nằm trong top 30 cảng biển lớn nhất thế giới.

Thế nhưng, vấn nạn kẹt xe đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng của cảng biển, doanh nghiệp chịu thiệt hại do đội chi phí.

{keywords}
Xe container thường xuyên xếp hàng kéo dài, di chuyển khó khăn ở cửa ngõ cảng Cát Lái do kẹt xe

Dẫn chứng số liệu thống kê của năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM khoảng 170 triệu tấn; dự báo tăng lên gần 237 triệu tấn vào năm 2030. Khối lượng hàng hóa thông qua lớn gây áp lực lớn đến kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông không đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của hàng hóa lưu thông.

Trên cơ sở học tập kinh nghiệm mô hình đang được Hải Phòng triển khai, Sở GTVT đề xuất thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng công trình tiện ích, dịch vụ khu vực cửa khẩu biển (thu phí cảng biển) để có thêm nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực quanh cảng biển.

Đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu và hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM phải trả 2,2 triệu đồng/container 20ft, 4,4 triệu đồng/container 40ft hoặc 50.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời. 

{keywords}
Đường vào cảng Cát Lái kẹt cứng, tài xế phải rời xe để xuống đường 'dạo mát'

Riêng hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, chủ hàng phải trả 250.000 đồng/container 20ft, 500.000 đồng/container 40ft và 16.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời.

Mức phí này tương đương mức phí mà TP.Hải Phòng đang áp dụng. Riêng hàng hóa xuất nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng và đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh sẽ được miễn thu phí.

Lấy phí cảng biển phát triển hạ tầng

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nguồn vốn đầu tư giao thông phải trông chờ vào vốn PPP hoặc ngân sách.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn ngân sách dành cho hạ tầng còn nhiều hạn hẹp. Trong khi đó, hình thức đầu tư theo PPP lại không thể áp dụng cho các tuyến đường vào cảng vì đây là đường hiện hữu, không thể thu phí theo hình thức BOT.

Trước tình hình kẹt xe gây thiệt hại cho doanh nghiệp, hạn chế khả năng khai thác cảng, Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu xây dựng đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng công trình tiện ích, dịch vụ khu vực cửa khẩu biển.

{keywords}
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Ông Lâm cho biết mục tiêu đề án là tạo ra nguồn thu hoàn thiện hạ tầng kết nối cảng biển, giảm bớt ùn tắc, tai nạn trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp. Khi triển khai thu phí, ước tính mỗi năm sẽ đóng góp thêm cho TP khoảng 3.000 tỷ đồng phục vụ cho công tác đầu tư hạ tầng cảng biển.

“ Chỉ cần trong vòng 5 năm là có 15.000 tỷ đồng, kết hợp với nguồn vốn từ ngân sách, lúc đó sẽ cơ bản hoàn thành các tuyến đường kết nối cảng biển tại TP”- Giám đốc Sở GTVT thông tin.

Ông cũng khẳng định tiền thu phí sẽ được đầu tư trực tiếp cho đường vào cảng chứ không đưa đi đầu tư chỗ khác.

Sở dự kiến sẽ thực hiện lộ trình hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy; hoàn thành mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ; khép kín đường Vành đai 2... Ngoài ra, nguồn thu còn đầu tư nạo vét, nâng cầu có tĩnh không thấp, thiết kế lại năng lực luồng lạch cho tàu thuyền, xe ra vào cảng.

"Khi đầu tư mở rộng ngay đường vào cảng thì năng lực cảng, số chuyến hàng cảng sẽ tăng lên. Đường thông thoáng, doanh nghiệp rút ngắn thời gian chạy xe, giảm chi phí vận hành, tạo đà cho tăng trưởng hàng hóa" - ông Trần Quang Lâm khẳng định. 

Hiện Sở GTVT TP.HCM đã gửi tờ trình đề án thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM (đề án thu phí cảng biển - PV) lên Ủy ban MTTQ VN TP.HCM để tổ chức lấy ý kiến.
Sau đó, đề án này sẽ được trình lên HĐND TP.HCM xem xét, thông qua trong kỳ họp tháng 12/2020. Nếu được thông qua, việc thu phí sẽ bắt đầu từ tháng 5/2021 tại cảng Cát Lái để đánh giá, rút kinh nghiệm và áp dụng thu phí cho toàn bộ cảng kể từ tháng 6/2021.

 

Sáu dự án xây cầu ở TP.HCM ‘làm mãi không xong’

Sáu dự án xây cầu ở TP.HCM ‘làm mãi không xong’

Cầu Thủ Thiêm 2, Tân Kỳ- Tân Quý, Long Kiểng, Bưng, Nam Lý, Tăng Long … là sáu dự án giao thông của TP.HCM đang phải ‘trùm mền’.

Tuấn Kiệt