Ngày 16/11, hàng chục công nhân đang khẩn trương tháo dỡ những chiếc nhà nổi cuối cùng tại khu vực hồ Tây (Hà Nội).
XEM CLIP:
This video
Hà Nội: Cận cảnh tháo dỡ bãi tàu thuyền còn sót lại ở hồ Tây
Năm 2016, UBND thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu dừng hoạt động bến thủy nội địa và các hoạt động kinh doanh có liên quan đến khu vực hồ Tây do không đảm bảo các điều kiện theo quy định. Việc tạm dừng này cũng nhằm phối hợp kiểm tra, xử lý môi trường nước hồ Tây.
Suốt 5 năm qua, các du thuyền, nhà nổi tiền tỉ này đang trở thành những đống sắt, mục nát, hoen gỉ trên mặt nước hồ Tây.
Theo ghi nhận của phóng viên, vào chiều 16/11, tại khu vực Đầm Bẩy (phường Nhật Tân, Tây Hồ), hàng chục công nhân đang tiến hành tháo dỡ những chiếc nhà nổi cuối cùng còn sót lại tại đây.
Cận cảnh công nhân sử dụng đèn khò cắt khung sắt trên các tàu thuyền.
Toàn bộ tàu thuyền neo đậu trên mặt hồ Tây đều trong tình trạng hoen gỉ, nhiều thuyền đã xuống cấp, bị bục đáy khiến nước tràn vào. Điều này khiến cảnh quan khu vực bị ảnh hưởng trầm trọng.
Ông Trần Văn Thuận (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Các du thuyền đều đã mục nát, xuống cấp vừa mất mĩ quan vừa ô nhiễm môi trường. Không những thế các du thuyền, nhà nổi này dễ trở thành địa điểm của tệ nạn xã hội. Vì vậy cần đẩy nhanh việc tháo dỡ, trả lại cảnh quan khu vực ven hồ".
Trước đó, các tàu thuyền, nhà hàng nổi trên hồ Tây sau khi di chuyển từ khu vực số 4, đường Nguyễn Đình Thi về Đầm Bẩy đã được nạo vét trả lại cảnh quan đẹp cho khu vực này.
Tuy nhiên, sau khi di dời về Đầm Bẩy, hơn 5 năm qua các nhà hàng nổi không được hoạt động, xuống cấp, gây phản cảm mất mỹ quan khu vực mặt nước và đường ven hồ.
Một công nhân tại đây cho biết, việc tháo dỡ các tàu thuyền cuối cùng còn sót lại trên mặt hồ Tây sẽ hoàn thành trong khoảng một tuần.
Bộ TN-MT vừa có văn bản về việc nước hồ Tây bất ngờ chuyển màu xanh rêu đậm, gây lo lắng trong dư luận về vấn đề môi trường và sự sống của các sinh vật trong hồ.
Theo Dân trí