Dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định xe gắn máy phải bật đèn vào ban ngày.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức (trường ĐH Việt Đức) phân tích về vấn đề này:
Người đi xe máy dễ tổn thương
Phương tiện cơ giới hai bánh (còn gọi là xe máy) có đặc thù là người ngồi trên xe dễ bị tổn thương khi có va chạm với các phương tiện khác, đặc biệt là với ô tô. Khoảng 70% số vụ TNGT có liên quan và gần 90% nạn nhân bị thương vong là người đi xe máy.
Trong nhiều vụ TNGT, xe máy không phải là phương tiện gây ra tai nạn, mà là phương tiện bị nạn, tức bị phương tiện khác đâm vào.
Đề xuất xe máy bật đèn ban ngày nhận được nhiều ý kiến trái chiều |
Người điều khiển phương tiện khác không phát hiện kịp thời xe máy trong các tình huống như đi hướng ngược chiều, đi cùng chiều phía sau, khi di chuyển vào nút giao khuất tầm nhìn, hay khi chạy trên đường cong gắt (bán kính nhỏ) có tầm nhìn hạn chế. Nguyên nhân là do xe máy có kích thước nhỏ, thời gian phản ứng của người điều khiển phương tiện khác đối với sự xuất hiện của xe máy muộn hơn so với sự xuất hiện của các xe có kích thước lớn.
Đây cũng chính là hiện tượng “nhìn nhưng không thấy (looking without seeing)” được đề cập nhiều trong các vụ TNGT do khả năng nhận diện kém đối với các loại phương tiện kích thước nhỏ.
Những tình huống bật đèn ban ngày cần thiết
Đèn nhận diện ban ngày có thể giúp tránh va chạm trong nhiều trường hợp.
Ví dụ, người điều khiển xe ô tô khi đi vào nút giao khuất tầm nhìn sẽ chú ý và giảm tốc độ khi phát hiện có sự hiện diện của xe máy qua ánh sáng đèn nhận diện ban ngày (hình 1).
Người lái xe ô tô sẽ phản ứng sớm và tránh được va chạm với xe máy chạy lấn làn ở hướng ngược chiều (hình 2), hay ở hướng cùng chiều nhưng từ phía sau (hình 3) khi xe máy có bật đèn nhận diện ban ngày.
Người đi bộ khi sang đường có thể phát hiện và tránh bị xe máy đâm khi xe máy có đèn nhận diện ban ngày (hình 4).
Hình 1: Người lái ô tô có thể giảm tốc khi phát hiện xe máy có đèn nhận diện ban ngày lao ra từ đường nhánh |
Hình 2: Người lái xe ô tô có thể phát hiện xe máy chạy trên làn ngược chiều đang vượt xe nguy hiểm |
Hình 3: Người điều khiển xe container có thể giảm tốc khi phát hiện xe máy đi phía sau đang vượt xe nguy hiểm |
Hình 4: Người đi bộ có thể phát hiện xe máy bị che khuất bởi ô tô đang lao đến nút giao với tốc độ cao |
Đã áp dụng thành công ở nhiều nước
Đèn nhận diện ban ngày như đèn chạy xe ban ngày (daytime running lamp) hay đèn chiếu sáng phía trước tự động (utomatic headlight ON) đã được nghiên cứu, áp dụng hiệu quả ở nhiều nước.
Cụ thể, sau khi luật bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy trang bị đèn nhận diện ban ngày ở bang California (Mỹ) được áp dụng vào năm 1978, đã cắt giảm được 20% đến 25% số vụ TNGT vào ban ngày liên quan đến xe mô tô, xe máy.
Ở Úc, tỉ lệ các vụ TNGT liên quan đến xe máy vào ban ngày giảm 16% sau khi có luật tương tự vào năm 1982.
Nhiều nước có khí hậu như Việt Nam vẫn bắt buộc bật đèn xe máy ban ngày |
Malaysia có thời tiết nắng nóng gay gắt hơn Việt Nam, nhưng đã bắt buộc xe mô tô, xe máy bật đèn nhận diện ban ngày (DRL) từ tháng 9/1992. Sau 2 tháng đã cắt giảm được 29% số vụ TNGT liên quan đến xe máy vào ban ngày.
Ở Thái Lan, chính phủ quy định xe máy phải sử dụng đèn nhận diện ban ngày từ năm 2003, đã góp phần giảm tới 20% số vụ TNGT.
Việt Nam và các nước như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ có chung đặc điểm là, xe máy liên đới tới 60% - 70% số vụ TNGT. Nhiều vụ tai nạn là do các lái xe khác không kịp thời nhận diện được xe máy đang lưu thông.
Do đó, trang bị đèn nhận diện ban ngày cho xe máy là rất cần thiết.
Tuy nhiên, giải pháp này chỉ đạt hiệu quả cao khi người điều khiển phương tiện có đầy đủ kiến thức, kỹ năng khi tham gia giao thông.
Chi phí không đáng kể
Theo ước tính, lượng tiêu hao nhiên liệu khi sử dụng đèn công nghệ LED rất nhỏ (bằng 10% đèn Halogen), ảnh hưởng không đáng kể tới nền nhiệt độ đô thị.
Ở Hà Nội, nếu 2 triệu xe máy cùng lúc sử dụng đèn nhận diện ban ngày công nghệ LED trong 45 phút thì mức năng lượng tiêu thụ là 9.000 KWh, tương đương 0,01% lượng điện tiêu thụ một ngày của cả thành phố.
Ngoài ra, các thiết kế đèn DRL hoặc AHO công nghệ LED không gây lóa mắt hoặc khó chịu cho người đối diện. Năng lượng cấp cho đèn được lấy chủ yếu từ máy phát điện của xe máy nên không ảnh hưởng tới tuổi thọ ắc quy, chi phí gần như không đáng kể.
Với giả định bật đèn trong 4.000 km/năm (20 km/ngày, trong đó 10 km/ngày vào ban ngày), đơn giá 20.000 VND/lít xăng, mức tiêu hao năng lượng là 6 ml/100 km (LED) – 14,5 ml/100 km (Halogen) thì lượng nhiên liệu tiêu hao cả năm là 0,23 lít xăng (LED) – 0,56 lít xăng (Halogen), tương đương 5.000 đồng (LED) – 10.000 đồng (Halogen)/1 xe/năm.
Thực tế, một số mẫu xe tại Việt Nam đã trang bị đèn nhận diện ban ngày và được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Việt Nam nắng chói chang, có cần bật đèn xe máy ban ngày để giảm tai nạn?
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự thảo sửa đổi luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) bổ sung quy định xe gắn máy phải bật đèn cả ban ngày.
Vũ Anh Tuấn