- Để đầu tư 654 km đường cao tốc Bắc – Nam cần phải huy động 118.000 tỷ đồng. Làm thế nào để có thể huy động đủ nguồn lực để đầu tư?
Vấn đề đặt ra tại hội thảo “Xây dựng cao tốc Bắc-Nam nhánh Đông từ chủ trương, chính sách đến hiện thực” sáng nay.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2020 cả nước có từ 2.000 - 2.500 km đường cao tốc. Tuy nhiên hiện nay cả nước mới chỉ hoàn thành được 746 km đường cao tốc.
Trong khi đó, dù QL1 mới được nâng cấp, mở rộng thành 4 làn xe nhưng gần 800 km đi qua các đô thị với tốc độ xe lưu thông chậm (chỉ 40 -50 km/h) nên năng lực thông hành chưa đáp ứng được nhu cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật (ngoài cùng bên trái) chủ trì hội thảo. |
Trước thực tế này, Chính phủ kiến nghị lộ trình đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ phân cho Bộ GTVT 55.000 tỷ đồng làm 654 km đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2. Đây là những đoạn tuyến cấp bách cần làm trước có lưu lượng xe vượt quá mức cho phép.
TGĐ Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) Phạm Hữu Sơn nói thêm, trong 654 km này thì đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang và TP.HCM - Cần Thơ rất cần phải đầu tư ngay. Bởi đây là những đoạn có nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hàng khách cao - nếu không làm sau 2020 sẽ bị quá tải.
Viện trưởng Viện kinh tế VN Trần Đình Thiên lưu ý, cần phải làm rõ những vấn đề liên quan đến quy hoạch, vốn... trước khi triển khai dự án.
Phải xác định tính cấp bách của từng đoạn sao cho sát với nhu cầu thực tế, tránh tình trạng như QL5 đưa vào khai thác lượng xe đi rất thấp.
“Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường QL5 chính là bài học thực tiễn cần tổng kết lại. Vì sao đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội chưa đông xe, không phát huy được hiệu quả cho nhà đầu tư” – Viện trưởng kinh tế VN băn khoăn.
Ông Trần Đình Thiên. |
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (PPP) nêu lên thực tế địa phương nào cũng muốn làm cao tốc. Tuy nhiên, phải dựa trên nguồn lực và nhu cầu lưu lượng đi lại thực tế. Đây là điều phải tính toán kỹ.
Theo ông Huy, hiện có 2 quan điểm đầu tư. Thứ nhất là đầu tư có tầm nhìn cho 50 – 70 năm sau thì nên làm 10 làn xe luôn. Việc đầu tư để tạo cầu thì giai đoạn đầu đưa vào khai thác sẽ lãng phí, năng lực chắc chắn dư thừa. Như cao tốc Hà nội – Hải Phòng, dễ dàng nhận thấy hiện nhu cầu vận tải chưa nhiều.
Thứ hai là nhu cầu đến đâu, đầu tư đến đó. Tuy nhiên, với giao thông đường bộ nhu cầu vòng đời dự án khoảng 20 năm. Chính vì thế, Bộ GTVT đã phân ra đoạn ưu tiên dựa trên lưu lượng xe để đầu tư phát huy hiệu quả.
Huy động 118.000 tỷ đồng như thế nào?
Ông Bùi Danh Huy cho biết, để làm 654 km đường cao tốc cần nguồn vốn đầu tư 118.000 tỷ đồng, trong số này hiện đã có 55.000 tỷ đồng từ vốn TPCP để lập dự án khả thi, GPMB, thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ mời thầu.
63.000 tỷ đồng còn lại sẽ phải huy động nguồn lực của tư nhân.Trong số này vốn chủ sở hữu theo quy định từ 10 lên 15%, vì thế sẽ có khoảng 13.000 trên tổng số 63.000 tỷ đồng của nhà đầu tư. Còn lại 50.000 tỷ đồng cần huy động từ các tổ chức tín dụng.
Cần 118.000 tỷ đồng làm cao tốc Bắc - Nam. |
Ông huy cho biết, số vốn huy động từ các tổ chức tin dụng dự kiến sẽ chia ra 4 năm, mỗi năm huy động 12.000 tỷ đồng. Con số này rất nhỏ, chưa đến 1% tổng huy động của toàn hệ thống ngân hàng.
“NHNN cũng đánh giá mức này là hợp lý, NH trong nước có đủ khả năng để huy động nguồn vốn”, ông Huy nói.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Uỷ viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, Tiền tệ quốc gia đánh giá, với tỷ lệ vốn góp của Chính phủ cao tương đương 40%. Nhà đầu tư sẽ nhàn hạ hơn nhiều khi không gặp phải các vấn đề như vốn đầu tư, GPMB.
Tuy nhiên, ông Nghĩa băn khoăn về 13.000 tỷ vốn tự có của chủ đầu tư vì các DN, tập đoàn xây dựng cầu đường còn gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn. Vì thế, dự án cần phải chọn những tập đoàn có vốn tự có đủ mạnh cả về công nghệ, vốn để tránh tình trạng phân nhỏ mỗi nhà đầu tư vài chục km.
Ông Huy cho hay, vốn của nhà đầu tư sẽ được đánh giá theo quy định của Bộ Tài chính. Theo đó Bộ GTVT sẽ căn cứ trên báo cáo kiểm toán năm gần nhất của DN để định ra. Sau khi trừ đi tất cả vốn đầu tư vào dự án khác, số còn lại xem có đủ không.
Ông Lê Xuân Nghĩa nêu thực tế, một DN có rất nhiều bộ hồ sơ tài chính khác nhau, hồ sơ tính thuế khác, hồ sơ thương mại khác, hồ sơ đấu thầu khác.
“Vì vậy, Bộ GTVT nên kiểm tra những DN nghi ngờ. Cách kiểm tra đơn giản là kiểm tra dòng tiền của DN trong vài năm; kiểm tra tổng nguồn vốn, tổng nợ ngắn hạn, dài hạn”, ông Nghĩa lưu ý.
2019: Khởi công cao tốc Bắc - Nam
Theo phương án điều chỉnh vừa được Bộ GTVT trình Quốc hội, giai đoạn 2017-2020 sẽ tập trung đầu tư xây dựng 654km cao tốc Bắc - Nam.
Đề xuất làm trước 713km cao tốc Bắc - Nam
Bộ GTVT đề xuất từ 2017 đến 2020 đầu tư trước 713km đường cao tốc Bắc - Nam đi qua 12 tỉnh thành.
Cao tốc Bắc - Nam: Tiền đâu để làm?
Dự án cao tốc Bắc-Nam dự kiến sẽ được Chính phủ trình QH trong vài ngày tới, tuy nhiên, việc huy động vốn rất khó khăn.
Thủ tướng 'chốt' phương án đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam
Thủ tướng đã chấp thuận phương án 1 của Bộ GTVT xây dựng tuyến cao tốc Bắc Nam dài hơn 600 km trước năm 2022 và hoàn thành toàn tuyến trước năm 2030.
Vũ Điệp