Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM cho biết, tại kỳ họp HĐND TP.HCM (ngày 9-11/7/2020) đã thông qua đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP".
Ùn tắc giao thông tại TP.HCM ngày càng nghiêm trọng do lượng xe ô tô cá nhân ngày càng tăng cao |
Đây là cơ sở để Sở GTVT xây dựng kế hoạch nghiên cứu, trình quyệt triển khai các bước tiếp theo của 27 giải pháp.
Nhiều năm qua, TP tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông nhưng vẫn không thể theo kịp tốc độ phát triển dân số, xe cá nhân.
Cụ thể, hiện TP có tới 8,1 triệu xe cá nhân (8 triệu xe máy, 756.000 ô tô), lượng xe máy tăng tới 6%/năm, ô tô tăng 11%/năm, gấp nhiều lần tăng trưởng đường bộ.
Số liệu thông kê đến nay, TP vẫn còn 22 điểm ùn tắc, tập trung ở khu vực cảng hàng không Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực trung tâm và cửa ngõ. Ngoài tình hình kẹt xe, thì ô nhiễm môi trường do khí thải từ hoạt động giao thông cũng đang có xu hướng gia tăng.
Theo kịch bản mô phỏng giao thông cho thấy, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, người dân có xu thế chuyển dần từ sở hữu xe mô tô và xe máy 2-3 bánh sang ô tô trong giai đoạn 2020-2025.
Người dân có xu thế chuyển dần từ sở hữu xe mô tô và xe gắn máy sang ô tô trong giai đoạn 2020-2025 |
Trong khi đó, nếu đánh giá theo tiêu chí diện tích chiếm dụng của phương tiện giao thông so với diện tích đường bộ đến năm 2025-2030, phương tiện cá nhân sẽ vượt 1,55 lần và đến năm 2030 là 1,6 lần so với năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông đường bộ, khiến TP sẽ trở nên ùn tắc nghiêm trọng.
“Ùn tắc sẽ lan ra cả TP, thời gian ùn tắc dài hơn và sẽ không chỉ ở giờ cao điểm. Lúc đó, số tiền thiệt hại vì ùn tắc sẽ cao hơn con số 2 tỷ USD mỗi năm như ước tính hiện giờ”- ông Hải nhấn mạnh.
Bài học về phát triển hệ thống giao thông ở các nước khu vực và thế giới hiện nay, như Indonesia đang tính toán dời thủ đô Jakarta vì quá tải. Trong đó, kẹt xe thiệt hại hơn 7 tỷ USD/năm ở quốc gia này. Do đó, TP.HCM cần phải gấp rút thực hiện song song kiểm soát xe cá nhân cùng với phát triển vận tải công cộng.
27 giải pháp phải thực hiện song song, đồng bộ
Trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP cũng cho biết, đề án đưa ra tới 27 giải pháp, trong đó, ngành giao thông xác định giải pháp tăng cường đầu tư các dự án giao thông công cộng có khối lượng lớn như metro, xe buýt nhanh, đường sắt trên cao... là chủ đạo.
Ngành giao thông thành phố xác định xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng trong giai đoạn 2020-2025 |
Còn kiểm soát xe cá nhân thì bao gồm nhiều giải pháp đơn lẻ và tập trung 2 vấn đề: về kinh tế gồm thu phí ô tô, phí ô nhiễm môi trường; về giải pháp hành chính là hạn chế xe cá nhân vào khu vực trung tâm.
Theo ông Hải, quan điểm, mục tiêu và giải pháp là phát triển giao thông công cộng kết hợp với việc hạn chế phương tiện cá nhân. Phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện để kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, trong đó phát triển vận tải hành khách khối lượng lớn (metro, monorail…) là điều kiện đảm bảo sự bền vững.
Trong khi đó, giải pháp hành chính và kinh tế cần được kết hợp hài hòa và triển khai một cách toàn diện, đồng bộ trong việc kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân (ô tô con, mô tô và xe gắn máy) thực hiện từng bước, có lộ trình cụ thể và có sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện.
“Việc tổ chức kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân chỉ thực hiện khi đạt được các điều kiện về hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, dịch vụ hỗ trợ giao thông công cộng như bãi đỗ xe, kết nối các phương thức vận tải…”- ông Hải nhấn mạnh.
Về lộ trình, ông Hải cho biết, hiện HĐND TP đã thông qua nghị quyết, từ đó làm cơ sở để UBND TP hoàn thiện đề án và triển khai theo các bước cụ thể.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2021 góp phần chia lửa, giải quyết bài toán kẹt xe tại TP.HCM |
Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thu phí ô tô vào trung tâm TP. Từ 2021-2030 phân vùng hạn chế hoạt động của xe hai bánh phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Thông tin thêm về đề án 34 cổng thu phí ô tô nhằm hạn chế kẹt xe, ông Hải cho biết chỉ đang nghiên cứu và chưa có cơ sở thực hiện.
HĐND TP đã thông qua, Sở mới tiến hành xây dựng một đề án riêng, trong đó đề án nghiên cứu 34 cổng thu phí ô tô sẽ nằm trong đề án tổng thể về thu phí ô tô vào trung tâm. Lúc đó mới xác định được phạm vi vành đai thu phí; đối tượng, mức phí, thời gian thu... Trong thời gian thực hiện đề án, Sở sẽ tham vấn chuyên gia, mời người dân góp ý về việc này khi xây dựng đề án.
TP.HCM sẽ thu phí ô tô vào trung tâm từ năm 2021
TP.HCM sẽ triển khai thu phí ô tô vào trung tâm trong giai đoạn 2021-2025 và phân vùng hoạt động xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực giao thông.
Tuấn Kiệt