Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là hơn 109 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD.
Sân bay Long Thành đặt tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Vị trí sân bay cách sân bay Tân Sơn Nhất 43 km.
Dự án sân bay Long Thành được chia làm 4 dự án thành phần. Giai đoạn 1, sân bay này được đầu tư xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện dự án từ 2020 - 2025.
Dự án thành phần 1 gồm các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước được Thủ tướng giao các cơ quan liên quan (hải quan, công an, công an cửa khẩu, cảng vụ, kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện. Trường hợp không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan nói trên lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.
Dự án giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 4,7 tỷ USD |
Dự án thành phần 2 gồm các công trình phục vụ quản lý bay được Thủ tướng giao cho Tổng công ty Quản lý bay VN làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: Nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe, hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2… Những công trình này do Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 4 là các công trình khác… được thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn.
Các dự án thành phần 2, 3, 4 sẽ chỉ được sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV Lại Xuân Thanh cho biết, có hai yếu tố thuận lợi đối với ACV trong việc thực hiện dự án. Thứ nhất, công tác giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện. Phần đất cần thiết cho giai đoạn 1 đã được tỉnh bàn giao cho Bộ GTVT. Thứ hai, nguồn vốn được đảm bảo đầy đủ, sẵn sàng.
Trong thời gian thực hiện dự án, ACV sẽ tăng cường tối đa năng lực để thực hiện tốt chức năng chủ đầu tư, quản lý dự án, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu tư vấn, thi công, giám sát, cung cấp hàng hóa, dịch vụ để giữ vững tiến độ và đảm bảo chất lượng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Nhà nước để thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan đến dự án trong thời gian ngắn nhất.
Dự án đầu tư sân bay Long Thành chia làm 3 giai đoạn, tổng công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng mức đầu tư khái toán hơn 336.630 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD, theo tỷ giá năm 2014).
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025, sẽ làm ngay giai đoạn 2 để có thêm 1 đường băng và 1 nhà ga, đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Sau đó triển khai giai đoạn 3, để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Là sân bay trung chuyển cạnh tranh với khu vực và thế giới
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Long Thành sẽ là sân bay hiện đại nhất cả nước. Sau khi hoàn thành, sân bay này phải cạnh tranh với sân bay của các nước trong khu vực để trở thành sân bay trung chuyển. Chính vì vậy, dự án sẽ sử dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại nhất.
Việc kiểm soát hành khách và hàng hoá qua sân bay gần như tự động hoàn toàn. Do đó, khi thẩm định dự án, Hội đồng thẩm định Nhà nước lần đầu tiên thuê 1 tư vấn nước ngoài để rà soát lại hồ sơ của dự án, tư vấn thẩm tra, phản biện mất gần 1 năm.
Tháng 11/2020, Thủ tướng quyết định đầu tư dự án và giao ACV làm nhà đầu tư chính. ACV đã khẩn trương thực hiện thủ tục triển khai đấu thầu, để đi đến khởi công ngày 5/1.
Do ACV đã thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước nên Bộ GTVT sẽ hỗ trợ tối đa công tác quản lý Nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để tiến độ dự án đạt kế hoạch, hoàn thành vào cuối năm 2025.
Báo cáo của tư vấn thiết kế đưa ra tính toán, sân bay Long Thành tới năm 2030 sẽ đóng góp 0,98% GDP của Việt Nam, tạo ra 200.000 việc làm.
Đồng loạt khởi công các dự án giao thông trọng điểm
Năm 2020 các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành được khởi công, xây dựng tạo động lực to lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài.
Vũ Điệp