XEM CLIP:
Tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều nay, hàng loạt câu hỏi liên quan đến lộ trình dừng hoạt động xe máy ở nội đô được đặt ra.
Theo Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện, ùn tắc giao thông là vấn đề của thời đại, không phải chỉ Việt Nam. Trên thế giới, ngay cả ở TP hiện đại, có cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống giao thông tốt vẫn có chuyện “đi 40km mất 4-5 tiếng”.
Ngay từ năm 2008, Chính phủ đã ban hành nghị quyết đề xuất các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP.HCM. Trong nghị quyết này, có giải pháp phát triển phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân, tổ chức giao thông hợp lý.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện: Thấy thảm họa mà không làm gì thì thấy có lỗi với nhân dân và thế hệ mai sau. Ảnh: Hồng Nhì |
“Một trong những nhiệm vụ là cấm xe máy, ô tô lưu thông trên một số tuyến phố và giờ nhất định, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực trong TP Hà Nội và TP.HCM”, ông Viện nói.
Theo ông, việc Hà Nội triển khai thực hiện nhiệm vụ trên không mới, thậm chí còn “rất chậm” so với chỉ đạo của Chính phủ. Lãnh đạo Sở GTVT nhấn mạnh, ùn tắc giao thông xem như thảm họa.
“Thấy thảm họa mà không làm gì thì thấy có lỗi với nhân dân và thế hệ mai sau”, ông Viện nói.
Trả lời báo chí tại sao cấm xe máy mà ô tô lại không, ông Viện khẳng định, tất cả các phương tiện cá nhân đều phải hạn chế, không riêng xe máy.
Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đã nêu rõ, việc dừng hoạt động xe máy ở các quận nội thành phải có lộ trình, giảm dần từng bước, chứ không phải “đùng một cái đến năm 2030 là dừng”.
“Hà Nội và TP.HCM không phải tự nêu việc này, thích thì làm, mà có chủ trương phù hợp với yêu cầu quản lý của xã hội”, Giám đốc Sở GTVT nêu.
Theo ông, đây là chủ trương đúng, nhưng thực hiện khó hơn rất nhiều. “Tôi biết khó lắm, đụng chạm lắm nhưng nhiệm vụ phải làm. Chúng tôi mong muốn sớm nghiên cứu việc này, không phải để đưa ra gây khó cho dân mà đưa ra để nhân dân biết, cùng bàn bạc và có lộ trình”, ông Viện bày tỏ.
'Không mang gà lên xe buýt được, ít tiền đi xe đạp, nhiều tiền thì taxi'
Theo Giám đốc Sở GTVT, phải bảo đảm mấu chốt là có hạ tầng, đáp ứng yêu cầu hệ thống giao thông công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Ngay việc cấm tuyến nào, khu vực nào cũng phải khảo sát rất kỹ càng. Mọi vấn đề đang trong quá trình nghiên cứu, chưa quyết định.
Cầu vượt Ngã Tư Sở hướng đi Nguyễn Trãi cứ giờ tan tầm là đông nghẹt. Ảnh: Đoàn Bổng |
“Chúng tôi sẽ thực hiện đúng các quy định của luật, công khai minh bạch, đảm bảo vì lợi ích chung, không có lợi ích riêng”, lãnh đạo Sở GTVT cam kết.
Tuy nhiên, theo ông Viện, khi thảo luận các đề án cũng đã nói, lựa chọn phương tiện giao thông là quyền của mỗi cá nhân, nhưng phải phù hợp với lợi ích chung chứ không phải “thích là đi”.
Ông lấy dẫn chứng, vì lợi ích chung của mọi người thì chắc chắn khi mang gà sống lên xe buýt là không được. Cho nên trong trường hợp này có thể chọn phương tiện khác.
“Ít tiền thì chịu khó đạp xe đạp, nhiều tiền thì đi taxi, chúng ta không thiếu phương tiện để lựa chọn, còn mang gà sống lên xe buýt thì không được”, ông Viện nhấn mạnh và cho rằng, người dân phải chấp nhận một số quy tắc ứng xử phù hợp với yêu cầu của đô thị văn minh hiện đại và vì lợi ích chung của nhân dân.
Hương Quỳnh - Đức Yên
Hà Nội không phải cấm, làm cách này xe máy cất ở nhà hết
Nhiều người đưa ra một loạt giải pháp để không cần cấm xe máy mà tự khắc mọi người bỏ xe và đường giảm ùn tắc.