Vấn đề đầu tư đường sắt cao tốc đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo dự thảo quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Bộ GTVT, ngành đường sắt hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận chuyển 16,5 triệu tấn hàng hóa, 30,9 triệu hành khách đến năm 2030 và đến 2050 sẽ vận chuyển 15% sản lượng hàng hóa, 19% về hành khách.
Để đạt được kế hoạch này, dự kiến sẽ cần trên 665.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư đường sắt tốc độ cao 561.000 tỷ đồng.
Đơn vị tư vấn tính toán phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao 350km/h đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang chiều dài 651km (có thể khai thác năm 2030 nếu nhu cầu vận tải cao hoặc năm 2032 nếu nhu cầu thấp).
Đến năm 2050, ngành giao thông sẽ đầu tư tiếp đường sắt tốc độ cao đoạn Vinh - Nha Trang và xây dựng mới các tuyến như Lào Cai - Hà Nội -Hải Phòng, Dĩ An - Lộc Ninh, Tháp Chàm - Đà Lạt…
Đường sắt tốc độ cao sẽ hút khách của hàng không |
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa yêu cầu đơn vị tư vấn làm rõ sự cần thiết đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong dự thảo quy hoạch; phân tích rõ các dự báo về nhu cầu, có so sánh với năng lực của các phương tiện khác trên cùng hành lang, cự ly vận chuyển từ đó, định hướng, lập kế hoạch đầu tư từng giai đoạn.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, với điều kiện địa lý, điều kiện tự nhiên, điều kiện địa chính trị của nước ta thì phát triển đường sắt cao tốc trong tương lai là hết sức cần thiết.
Ông Minh cho rằng, đầu tư đường sắt tốc độ cao sớm ngày nào tốt ngày đó, bởi đường sắt tốc độ cao sẽ là đòn bẩy làm thay đổi thị phần vận tải, phân bổ dân cư… là động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch VNR cũng nói rõ, cự ly 200km là cự ly của đường bộ và từ 200-300km là cự ly giao thoa của đường bộ và đường sắt còn cự ly từ 300km- 1.500km là cự ly của đường sắt; từ 1.500 km -2.000km là cự ly giao thoa của đường sắt và hàng không, trên 2.000km là cự ly của hàng không. Như vậy, với địa hình trải dài từ Bắc vào Nam của nước ta, việc phát triển đường sắt tốc độ cao là rất cần thiết.
“Nếu bay từ Hà Nội vào TP.HCM sẽ mất 5 giờ đồng hồ nhưng phải thay đổi phương thức vận tải nhiều lần, trong khi đường sắt với tốc độ 300km/h, khách đi cũng chỉ mất 6 giờ. Với các tuyến ngắn như Hà Nội - Vinh, nếu có đường sắt tốc độ cao chắc chắn sẽ không ai chọn đi máy bay vì với tốc độ 300km/h chỉ mất có 1 giờ là tới nơi”, ông Minh nói.
Nên phân kỳ đầu tư
Chuyên gia kỹ thuật hạ tầng của JICA Phan Lê Bình cho biết, việc hiện đại hóa đường sắt đã được xem xét rất kỹ trong 10 năm qua. Đây là thời điểm đi đến quyết sách xem sẽ đầu tư như thế nào cho phù hợp.
Theo ông Bình, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao cần nguồn vốn lớn, qua đề xuất và đánh giá của các chuyên gia đầu ngành thì việc đầu tư từng giai đoạn như Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang trước được cho là khả thi.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế nên cần có sự phân kỳ, phân khúc đầu tư để làm. Do vậy, lựa chọn đoạn tuyến nào làm để đảm bảo thí điểm thì phải phải tính toán kỹ trước khi đầu tư.
Đối với nguồn vốn, ông Tiến cho rằng, khi đã đưa vào chương trình đầu tư công sẽ có nhiều cách thức huy động vốn từ ngân sách, vay vốn ODA, có thể phát hành trái phiếu Chính phủ, kêu gọi tư nhân đầu tư…
Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp đánh giá, với việc phải làm chủ công nghệ và cơ khí đường sắt chi phí lớn của đường sắt tốc độ cao, nhà nước có thể nghiên cứu đặt hàng để các nhà khoa học và các doanh nghiệp trong nước, tạo động lực phát triển hiện đại hoá ngành đường sắt.
Đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ dài 150 km không phải cự ly lý tưởng
Thứ trưởng GTVT cho rằng, về ý chí chúng ta rất muốn làm dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, nhưng về chuyên môn thì đường sắt dài 150 km không phải là cự ly lý tưởng.
Vũ Điệp