Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, sau hơn 2 tháng đường sắt Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác thương mại đã đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Dự án được đông đảo người dân Thủ đô ủng hộ và đón nhận là một phương thức vận tải hành khách công cộng tiên tiến, lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam.
Mỗi ngày đường sắt Cát Linh - Hà Đông phục vụ vận chuyển bình quân 14.917 hành khách. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gần đây số khách tham quan giảm nhưng người đi làm, đi học bằng vé tháng giữ ổn định và đang có xu hướng tăng, từ 10% ban đầu lên hơn 20% và dự kiến tiếp tục tăng khi học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Ngày khánh thành, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đón hành khách thứ 1 triệu |
Phó Chủ tịch TP Hà Nội cùng thông tin thêm, hôm nay khánh thành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng là ngày dự án đón hành khách thứ 1 triệu đi tàu.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ 2 nước Việt Nam – Trung Quốc, các Bộ, ngành và được UBND TP Hà Nội phối hợp tạo điều kiện triển khai xây dựng.
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường sắt tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo Tổng thầu EPC phối hợp với Công ty Metro Hà Nội thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác bảo hành, bảo trì dự án theo quy định. Phía Bộ GTVT cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với UBND TP Hà Nội trong công tác vận hành, khai thác an toàn giai đoạn đầu và trong thời gian bảo hành công trình.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đón hành khách thứ 1 triệu |
Ngoài ra, để tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành các tuyến đường sắt còn lại, trước mắt hoàn thành tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) nhằm cụ thể hóa quy hoạch giao thông và mạng lưới đường sắt đô thị của TP đã được Thủ tướng phê duyệt; nâng cao hơn nữa năng lực vận chuyển từng bước, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường tại TP, góp phần xây dựng Thủ đô ngày một phát triển, văn minh, hiện đại.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu là 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD) - tăng tương đương 315,18 triệu USD. Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc 13.867,1 tỷ đồng (tương đương 669,62 triệu USD).
Sau hơn 10 năm triển khai, trải qua 5 đời Bộ trưởng GTVT, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được Bộ GTVT nghiệm thu hoàn thành và Hội đồng kiểm tra Nhà nước đã chấp thuận kết quả nghiệm thu đủ điều kiện bàn giao dự án đưa vào khai thác.
Ngày 6/11/2021, Bộ GTVT cũng đã phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ bàn giao dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông để Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) đưa dự án vào vận hành khai thác giai đoạn đầu.
Tàu Cát Linh – Hà Đông diễn tập không làm ảnh hướng đến an toàn hành khách
Việc đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông diễn tập không báo trước cho đơn vị vận hành nằm trong quy trình diễn tập. Cái này là nguyên tắc chung khi diễn tập đường sắt đô thị trên toàn thế giới.
Vũ Điệp