Ông Đinh Việt Dũng, Thành viên Ban chấp hành Hiệp hội hàng không Việt Nam cho biết, cùng với việc sớm phục hồi thị trường hàng không trong nước, việc nhanh chóng mở lại và mở rộng các tuyến đường bay quốc tế đã được Chính phủ đồng ý sẽ giúp phục hồi ngành hàng không và đưa kiều bào về nước trong dịp Tết.
Trên thực tế, ngay ngày đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã mở lại chuyến bay thường lệ quốc tế từ TP.HCM đi Phnôm Pênh (Campuchia). Hãng này cũng dự kiến vào ngày 5/1 sẽ mở lại chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo (sân bay Narita, Nhật Bản) để dần phục hồi lại các đường bay quốc tế thường lệ.
Hãng hàng không Vietjet từ 1/1 cũng khai thác trở lại các đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore.
Việc mở lại các đường bay quốc tế thường lệ sẽ tạo điều kiện để phục hồi ngành hàng không trong nước |
Cụ thể, đường bay kết nối Hà Nội với Tokyo (Narita, Nhật Bản) được khai thác từ ngày 1/1/2022 với tần suất 1 chuyến khứ hồi vào thứ Năm hàng tuần. Đường bay Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan) khai thác 1 chuyến khứ hồi vào ngày thứ Bảy hàng tuần, đường bay TP.HCM - Đài Bắc (Đài Loan) sẽ khai thác 1 chuyến khứ hồi vào ngày thứ Tư hàng tuần.
Từ ngày 9/1/2022, Vietjet cũng sẽ khai thác trở lại đường bay TP.HCM - Singapore với 1 chuyến khứ hồi mỗi tuần vào ngày Chủ nhật. Các đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan) cũng sẽ khai thác ngay khi được chấp thuận của nhà chức trách các nước.
Trong khi đó Bamboo Airways đã chuẩn bị kế hoạch, nguồn lực để khai thác các đường bay quốc tế đến các thị trường trọng điểm của Việt Nam. Trước mắt, trong giai đoạn đầu, sẽ khai thác tối đa theo tần suất được Cục Hàng không Việt Nam phân bổ.
Ở giai đoạn 1, Bamboo Airways dự kiến khai thác các chuyến bay thẳng tới Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Trong giai đoạn 2 sẽ khai thác đường bay thẳng đến Đức, Úc…
Ngoài ra, Bamboo Airways cũng sẵn sàng mở rộng các đường bay thẳng đến Nhật Bản, Úc, Anh và đặc biệt là Mỹ (TP.HCM - San Francisco/Los Angeles) trong giai đoạn sau đó khi các điều kiện cho phép.
Kỳ vọng năm 2022 sáng sủa hơn
Theo Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không (VABA) Bùi Doãn Nề, những tín hiệu tích cực của ngành hàng không trong năm 2022 được thể hiện bằng việc đường bay quốc tế được khôi phục ngay từ những ngày đầu năm mới.
Việc mở lại đường bay quốc tế hiện nay là rất cần thiết sau thời gian dài đóng cửa. Bởi nếu cứ đóng cửa một thời gian dài nữa, nhiều doanh nghiệp hàng không trong nước có thể sẽ biến mất trên thị trường. Còn nếu mở cửa quá chậm, năng lực cạnh tranh sẽ rất yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài và khả năng phục hồi lại của thị trường cũng sẽ chậm hơn so với các doanh nghiệp lớn, lâu năm.
Theo ông Nề, để đảm bảo mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng dịch, việc lựa chọn những thị trường từ các quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt, tỉ lệ tiêm phòng cao như đề xuất của Bộ GTVT là hoàn toàn hợp lý.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, trong đó có Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi vào khoảng năm 2023 và thị trường hàng không quốc tế phục hồi vào năm 2024.
Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của các thị trường khác nhau, phụ thuộc vào quá trình tiêm vắc xin và kế hoạch mở cửa của các quốc gia.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng tin tưởng vào sự phục hồi dần của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát tốt tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới.
Việc mở lại các đường bay quốc tế phụ thuộc vào công tác phòng chống dịch Covid-19 |
Để mở lại các đường bay quốc tế, Hiệp hội hàng không Việt Nam kiến nghị, không hạn chế đối tượng khách và mục đích đi lại của khách quốc tế vào Việt Nam, chỉ yêu cầu khách có visa, hộ chiếu hợp lệ, đáp ứng đủ các yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định của Nhà nước Việt Nam.
Nới lỏng tối đa quy định về cách ly đối với hành khách nhập cảnh phù hợp với chính sách “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” hiện nay, tiến tới xem xét thời điểm dỡ bỏ quy định cách ly để thông báo tới các hãng hàng không tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách. Bỏ quy định về cách ly đối với phi hành đoàn của các hãng hàng không Việt Nam vừa hoàn thành chuyến bay từ nước ngoài về nước.
Tuy nhiên, Đại diện Bộ GTVT cho biết, trong giai đoạn đầu triển khai mở lại các đường bay quốc tế (10 đến 15 ngày) Bộ sẽ có đánh giá cụ thể để có điều chỉnh phù hợp.
“140.000 kiều bào về nước trong dịp Tết âm lịch nên nhu cầu thị trường lớn. Tuy nhiên, việc mở lại các đường bay phụ thuộc vào công tác đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19, do vậy Bộ GTVT sẽ xem xét từ tình hình thực tế sau khi các hãng hàng không nước ngoài đánh giá để đưa ra điều chỉnh cho phù hợp”, đại diện Bộ GTVT cho biết.
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 từ năm 2020, năm 2021 vận tải hành khách hàng không tiếp tục giảm mạnh. Đến hết tháng 9/2021, tổng thị trường chỉ đạt 13,4 triệu hành khách, giảm 42,1% so với năm 2020 và giảm 77% so cùng kỳ năm 2019. Riêng đối với hành khách quốc tế, chỉ đạt 349 nghìn hành khách, giảm 95,1% so cùng kỳ năm 2020 (giảm 98,8% so với cùng kỳ năm 2019). Dự kiến cả năm, lượng hành khách có thể đạt 17,5 triệu người (giảm 52% so với năm 2020). Đặc biệt, từ khi bùng phát dịch lần thứ 4 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm 80-90%; dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng; các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiệt. Sản lượng điều hành bay ước đạt 290 nghìn lần chuyến, so với 1 triệu lần chuyến năm 2019. Trong bối cảnh hết sức khó khăn, ngành hàng không đã chuyển hướng sang vận tải hàng hoá. Đây được xem là điểm sáng trong giao thông hàng không năm 2021. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm đã đạt gần 912 nghìn tấn hàng hóa, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó vận chuyển quốc tế tăng (25,1% so với cùng kỳ 2020) còn vận chuyển nội địa lại giảm (9%). |
Vũ Điệp
Cục Hàng không lên kế hoạch kiểm soát biến chủng Omicron khi mở bay quốc tế
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT về việc bay quốc tế trở lại, Cục Hàng không Việt Nam có đề cập đến vấn đề kiểm soát y tế liên quan đến biến chủng Omicron.