- Trạm thu phí hầm Phước Tượng - Phú Gia (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đặt cạnh cửa hầm đường bộ Hải Vân khiến người dân lo mất tiền oan.

Không qua hầm vẫn mất 2 lần phí

Trạm thu phí hầm Phước Tượng - Phú Gia (đặt tại vị trí cũ của Trạm thu phí hầm đường bộ Hải Vân) sẽ thu phí trong ít ngày tới. Trạm thu phí này nhằm hoàn vốn cho dự án xây dựng 2 hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia thuộc huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế).

Điều đáng nói, khoảng cách từ trạm thu phí đến hầm Phú Gia lên đến 7km khiến hàng trăm phương tiện có thể không qua 2 hầm nói trên vẫn bị thu phí.

{keywords}

Trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia đặt trên nền cũ của Trạm thu phí hầm Hải Vân; cách cửa Bắc hầm Hải Vân chừng 500m.

Anh Lương Đình Anh (thôn An Cư Đông 1, Lăng Cô) chuyên chạy xe 16 chỗ đưa đón khách du lịch tuyến Đà Nẵng - Lăng Cô.

‘Vào mùa du lịch xe tôi chạy đều đặn hàng ngày. Nếu mỗi chuyến vào ra hầm Hải Vân đều bị thu phí trong khi tôi không đi qua 2 hầm Phước Tượng và Phú Gia thì mỗi tháng tôi mất oan mấy triệu tiền phí rồi’, anh Đình Anh nói.

Đây cũng là nỗi lo của người dân địa phương cùng nhiều doanh nghiệp khác.

Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho hay: "Địa phương đã lập danh sách các hộ dân có ô tô để gửi chủ đầu tư đề nghị xem xét".

Đổi chỗ đặt trạm thu phí để tiết kiệm chi phí?

Được biết dự án BOT xây dựng hầm Phước Tượng - Phú Gia động thổ tháng 5/2013, tổng mức đầu tư trên 1.700 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Liên danh Phước Tượng - Phú Gia (công ty CP Phước Tượng - Phú Gia BOT).

{keywords}

Khoảng cách từ hầm Phú Gia đến trạm thu phí chừng 7km.

Theo nguồn tin của VietNamNet, phê duyệt ban đầu dự án sẽ có 2 trạm thu phí đặt ở Bắc hầm Phước Tượng và Nam hầm Phú Gia.

Quá trình triển khai dự án có sự thay đổi: Thay vì bố trí 2 trạm, đơn vị đã đặt một trạm thu phí trên nền trạm thu phí cũ của hầm Hải Vân.

Trao đổi với VietNamNet, ông Hoàng Văn Châu (BQL DA4, Tổng cục Đường bộ) xác nhận có sự thay đổi như trên và giải thích nguyên nhân do chủ đầu tư bổ sung thêm gói thầu nâng cấp sửa chữa QL1A đến cầu Lăng Cô sát hầm Hải Vân.

Theo ông Châu, việc thay đổi vị trí trạm thu phí so với phê duyệt ban đầu là để tiết kiệm chi phí đầu tư, đảm bảo khoảng cách giữa các trạm do đã có một trạm ở Phú Bài.

Ông Phạm Công Hưng, TGĐ công ty CP Phước Tượng - Phú Gia BOT cho hay: “Chúng tôi có nhận được phản ánh của người dân Lăng Cô. UBND thị trấn đã gửi danh sách hơn 100 hộ có ô tô. Chúng tôi đã chuyển lên Bộ GTVT xem xét phương án miễn giảm phí".

Bộ GTVT nói gì?

Cho biết đã nhận được danh sách hơn 100 hộ có ô tô ở Lăng Cô và đang giao BQL DA4 phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu phương án miễn giảm phí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh: Về nguyên tắc nhà đầu tư phải tự thỏa thuận với địa phương và có thể trích một phần lợi nhuận để hỗ trợ người dân.

Do vậy, đối với các hộ gần khu vực trạm thu phí, ngoài việc bán vé tháng, quý thì chủ đầu tư có thể giảm thêm nữa để giúp dân mất phí không đáng kể.

{keywords}

Các hạng mục cuối cùng của dự án chưa hoàn thiện.

Về việc thay đổi vị trí đặt trạm thu phí so với phê duyệt ban đầu, ông Trường xác nhận chủ đầu tư đã xin ý kiến các Bộ ngành và được chấp thuận.

Còn về phương án thu phí, Bộ GTVT vẫn đang xây dựng chứ chưa quyết. Tinh thần là phải tính tổng thể, chọn phương án phù hợp, không thể cùng một lúc đặt 2 trạm thu phí quá gần nhau.

Theo ông Trường, tuần tới Bộ sẽ họp và có phương án trình Chính phủ về vấn đề này.

100km QL1A ‘cõng’ 3 trạm thu phí?

Tuyến QL1A từ Phú Bài (TX Hương Thủy, TT - Huế) đến Điện Bàn (Quảng Nam) dài xấp xỉ 100km nhưng ‘cõng’ 3 trạm thu phí. Cụ thể đoạn này hiện đã có 2 trạm thu phí hoạt động đặt tại Phú Bài và Điện Bàn; nay sắp có thêm trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia đặt ở Lăng Cô.

Theo nguồn tin của VietNamNet, trên tuyến này sẽ tiếp tục triển khai 2 dự án BOT lớn trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: "Trạm Phú Bài sát TP Huế, từ Huế đi Đà Nẵng gần 100 km, trạm thu phí đặt ngay gần hầm Hải Vân là 70 km. Từ đây đến Quảng Nam cách hơn 70 km thì không có chuyện gần 100 km có 3 trạm thu phí".

Cao Nam - Vũ Điệp