Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Thái cho biết, do vướng mắc các cơ chế, quy định của Nhà nước, đến thời điểm này hợp đồng đặt hàng chưa được ký, nên công ty chưa có kinh phí trả lương cho người lao động và mua sắm các vật tư để thay thế, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt. Trong khi đơn vị vẫn phải đảm bảo an toàn giao thông đường sắt thông suốt theo yêu cầu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Thực tế này đang ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như trả lương và các chế độ cho 500 lao động của công ty.

Ông Tâm cho biết, trước mắt để đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống cho người lao động, khi hợp đồng đặt hàng bảo trì 2021 chưa được ký kết, đơn vị đã chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng để huy động tối đa nguồn lực có thể vay được được vốn.

{keywords}
Các đơn vị duy tu, bảo trì hạ tầng đường sắt phải vay ngân hàng duy trì hoạt động

Do vốn điều lệ của công ty chỉ có 15 tỷ nên việc huy động vốn khó khăn (hiện tại đang dùng bảo lãnh tín chấp). Vì vậy, để có tài sản thế chấp vay vốn, đơn vị đã huy động lãnh đạo, cán bộ nhân viên cho mượn xe, sổ đỏ thế chấp để vay ngân hàng. Hiện tại, Công ty đã vay được ngân hàng 7,7 tỷ đồng, đang làm hồ sơ vay 5 tỷ trong tháng 4.

Ông Tâm cho biết, nếu tình hình này kéo dài khi không có nguồn kinh phí thay thế vật tư, trả lương cho người lao động thì có nguy cơ uy hiếp đến an toàn chạy tàu và đặc biệt là an toàn tính mạng của hàng trăm khách đi tàu.

Thực trạng của Công ty CP đường sắt Hà Thái cũng là tình trạng chung của 20 đơn vị bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hiện nay. Năm 2021, VNR dự kiến được Nhà nước giao 2.800 tỷ đồng để duy tu đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động. Tuy nhiên, 4 tháng qua đơn vị này vẫn chưa được giao vốn.

Đại diện VNR cho biết, việc nợ lương ảnh hưởng đến người lao động. Nguy cơ cao các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì họ là những người thu nhập thấp.

Thực trạng này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021.
 
Bộ GTVT muốn giao vốn cho Cục Đường sắt
 
Mấu chốt vướng mắc hiện nay là do chưa xác định được việc Bộ GTVT giao vốn cho Cục Đường sắt hay VNR. Bộ GTVT muốn giao vốn qua Cục Đường sắt trước khi phân bổ lại cho VNR. Trong khi đó, VNR lại muốn được trực tiếp nhận vốn như trước đây.

Báo cáo Thủ tướng những vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 mới đây, Bộ GTVT cho rằng việc giao dự toán quản lý, bảo trì cho VNR chỉ được thực hiện khi Thủ tướng Chính phủ xem xét chuyển VNR từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN về Bộ GTVT quản lý.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng cho rằng đại diện tất cả các bộ ngành (trừ Bộ GTVT) đều thống nhất ý kiến lựa chọn phương án giao cho VNR quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đến năm 2030, nhằm tạo khoảng thời gian hợp lý để lập và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả. Theo Bộ Tư pháp, phương án Bộ GTVT giao dự toán cho VNR như trước đây không trái quy định, giảm các khâu trung gian không cần thiết.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ GTVT nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp nhưng đến nay Bộ GTVT vẫn nghiêng về phương án giao vốn cho Cục Đường sắt.
Ngày 12/4, VNR có văn bản cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, trong đó VNR cho rằng việc giao vốn về Cục Đường sắt sẽ làm gia tăng cấp phép, phê duyệt đề án con, trong khi Cục này hiện chỉ có hơn 100 nhân lực, có nguy cơ gây chậm trễ, ách tắc công tác bảo trì.

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục giao dự toán nguồn quản lý, bảo trì từ năm 2021 về sau cho VNR, lãnh đạo VNR cho rằng, nếu do vướng mắc về cơ chế thì nên sửa cơ chế, tránh tình trạng lặp đi lặp lại khó khăn như 2 năm trở lại đây.

Đường sắt có tiền không tiêu được

Đường sắt có tiền không tiêu được

Vốn bố trí bảo trì đường sắt có sẵn nhưng các đơn vị bảo trì không thể tiếp cận do chưa thống nhất được phương án giao vốn cho Cục Đường sắt hay Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR).

Vũ Điệp