Hôm nay, trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO cho biết, theo truyền thống, 5 năm trở lại đây phía công ty thực hiện việc xả trạm tri ân bà con, khách hàng ủng hộ.

“Năm nay, chúng tôi tiếp tục chương trình xả trạm, tri ân khách hàng từ 14h ngày 30 Tết cho đến 6h ngày Mùng 4 Tết mới hoạt động trở lại”- ông Ninh nói.

{keywords}
Trạm BOT An Sương- An Lạc sẽ xả trạm 3 ngày Tết nguyên đán 2019

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao không xả trạm vào những ngày cao điểm trước Tết mà lại xả vào đúng những ngày nghỉ Tết có lưu lượng xe cộ ít?

“Việc xả trạm bao gồm nhiều yếu tố nhưng trong đó yếu tố thiêng liêng nhất của những ngày Tết. Đầu năm chúng tôi xả trạm tri ân khách hàng thì mới thực sự ý nghĩa vì đầu năm họ không phải trả phí nên sẽ vui hơn, ý nghĩa hơn và hơn hết chi phí này phía nhà đầu tư chúng tôi chịu”- lời ông Ninh.

Ông cũng cho rằng cao điểm Tết, đơn vị sẽ làm đúng theo quy đinh của pháp luật khi xảy ra kẹt xe kéo dài sẽ cho xả trạm.

“Hiện tại trạm BOT An Sương-An Lạc đã đưa vào hoạt động thu phí ô tô tự động hoàn toàn. Những ngày Tết thì trạm nào cũng đông xe và chúng tôi sẽ làm theo quy định và có thể không phải kẹt xe 700m nữa mà chỉ 50-60 mét nếu thấy có khả năng kẹt xe là chúng tôi đã xả rồi”- ông Ninh nhấn mạnh.

Nói về tình trạng kẹt xe thời gian qua, ông Ninh khẳng định do có một số người cố tình đậu giữa làn thu phí nên mới gây kẹt xe. 

{keywords}
Ùn tắc trên quốc lộ 1 ngày 7/1 vừa qua do tài xế phản đối trạm thu phí 

Thời gian gần đây, nhiều tài xế liên tục phản đối việc thu phí ở trạm BOT An Sương- An Lạc.

Đơn cử như hôm 7/1 vừa qua, các tài xế lưu thông trên Quốc lộ 1 (đoạn qua trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc, quận Bình Tân) đã tập trung phản đối vì cho rằng trạm thu phí này thu quá nhiều tháng và cho biết không sử dụng dịch vụ nhưng vẫn bị thu phí.

Các tài xế cho rằng, hợp đồng giữa Bộ GTVT với Công ty Cổ phần đầu tư phát triển IDICO cho thấy thời gian thu phí của trạm BOT An Sương – An Lạc từ tháng 4/2004 và kéo dài 145 tháng; đến nay thời hạn thu phí đã hết từ lâu. 

Ngoài ra, theo các tài xế, đại diện IDICO giải thích là giai đoạn 1 đã thu phí hoàn thành còn hiện tại đang thu phí giai đoạn 2 khi chủ đầu tư xây dựng các cầu vượt trên Quốc lộ 1. Tuy nhiên, tài xế cho rằng họ không sử dụng dịch vụ nên không thể thu phí.

Sự việc tài xế phản ứng đã khiến giao thông trên Quốc lộ 1 hướng từ An Lạc về An Sương ùn tắc kéo dài. Hàng ngàn phương tiện xếp hàng hơn 1km từ khu vực trạm thu phí đến nút giao Quốc lộ 1 – Hương lộ 2 (quận Bình Tân) buộc phía chủ đầu tư phải cho xả trạm.

Trước đó, hồi cuối năm 2018, nhiều tài xế cũng phản đối việc BOT An Sương – An Lạc thu phí quá thời hạn và đơn vị đầu tư phải liên tục xả trạm để tránh ùn xe.

Tại cuộc họp báo vào ngày 4/12/2018, ông Ninh cho rằng tài xế dừng ô tô phản đối thu phí quá thời hạn là sự hiểu nhầm, theo hợp đồng thu phí giai đoạn 1 (nâng cấp 12 km Quốc lộ 1) đến 1/1/2017 thì ngưng. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung thêm 4 hạng mục thu phí là 2 nhánh cầu vượt Tỉnh lộ 10 - Quốc lộ 1; cầu vượt Hương lộ 2 - Quốc lộ 1; cầu vượt Lê Trọng Tấn - Quốc lộ 1.

“Kinh phí nâng cấp đoạn đường 12 km Quốc lộ 1 và 4 cây cầu trên gần 2.500 tỷ đồng. Thời gian thu phí được tiếp tục thực hiện từ 2/1/2017 đến 31/1/2033, theo quy định của Nhà nước”, ông Ninh nói.

 

Tài xế tiếp tục 'vây' trạm BOT An Sương - An Lạc

Tài xế tiếp tục 'vây' trạm BOT An Sương - An Lạc

Mặc dù chủ đầu tư BOT An Sương – An Lạc xả trạm, cung cấp hồ sơ pháp lý dự án nhưng nhiều tài xế ô tô không di chuyển khiến giao thông bị ùn tắc nghiêm trọng.

Tuấn Kiệt