Sau hơn 2 tháng tổ chức thi tuyển, đơn vị tổ chức phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng đã chọn được 3 tác phẩm nổi trội nhất để trình UBND TP Hà Nội. Trong đó, phương án số 12 của liên danh tư vấn thiết kế gồm Công ty TNHH Kiến trúc NIWA - Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Vietnam - Công ty TNHH Chodai - Công ty TNHH Thiết kế Kiến trúc NH Village được Hội đồng chấm thi cho điểm cao nhất.
Điểm nhấn của phương án này là hình tượng cầu Trần Hưng Đạo với những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu.
Trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thiết kế tối ưu, VietNamNet nhận được bài viết của kỹ sư Nguyễn Thành Lập (Hà Nội) đưa ra 2 kiến nghị về dự án cầu Trần Hưng Đạo. Dưới đây là bài viết của tác giả.
Về vị trí cầu Trần Hưng Đạo ở khoảng giữa 2 cầu Chương Dương và Thanh Trì. Cầu vượt qua sông Hồng, phía bờ Nam sẽ kết nối với đường Trần Hưng Đạo (đoạn thuộc quận Hoàn Kiếm). Phía bờ Bắc sẽ kết nối với đường Nguyễn Văn Linh (đoạn QL5A, quận Long Biên) là hoàn toàn thích hợp.
Thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo |
Tuy nhiên, tôi có kiến nghị Ban quản lý dự án (PMU) Giao thông Hà Nội và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về dự án cầu Trần Hưng Đạo.
Cầu Trần Hưng Đạo tương lai không xa, khi thi công - xây dựng hoàn thành, sẽ là một trong những công trình cơ sở hạ tầng, bất động sản rất lớn “cỡ bự”, vĩnh cửu, đồ sộ và nổi tiếng thủ đô Hà Nội - nước Việt Nam văn minh, hiện đại của chúng ta.
Thế nên, trước tiên theo chuyên ngành Cầu Đường chúng ta phải xác định cầu Trần Hưng Đạo là cầu vĩnh cửu. Mà đã là cầu vĩnh cửu thì phải có kết cấu vĩnh cửu.
Kết cấu vĩnh cửu tối ưu và kinh tế nhất, đến Thế kỷ XXI này, vẫn là kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực (hay còn gọi là kết cấu bê tông cốt thép ứng suất trước) - chứ không phải là kết cấu vòm thép, hay kết cấu thép “biên trên đa giác” như cầu Long Biên, hay kết cấu thép “biên trên thẳng” như cầu Chương Dương…
Như vậy, phân loại cầu theo kết cấu, tôi cho rằng, sẽ không phải là cầu Thép như Long Biên, Chương Dương, mà cầu “Trần Hưng Đạo” sẽ là “cầu Bê tông cốt thép dự ứng lực”. Còn lại phần lan can cầu, phần trang điểm, kiến trúc 2 bên thành cầu, hoặc cổng cầu (nếu có cần thiết)… chỉ mang tính chất cấu tạo, không mang tính chất chịu lực của cầu.
Do đó, thời gian vừa qua, cơ quan thông tin đại chúng nêu thuyết minh phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo là cầu vòm thép có kiến trúc vòng nhẫn vô cực, biểu tượng bất tận về không gian, thời gian phát triển ổn định của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung... là cần xem xét lại.
Cầu Chương Dương thuộc loại cầu thép có kết cấu thép “biên trên thẳng” |
Đã thế, ở phần trụ cầu lại thiết kế kiến trúc cả các Đài Vọng cảnh, để phục vụ người dân đến thăm quan, ngắm cảnh… khiến dư luận buồn cười và nói vui rằng "Đài Vọng cảnh đâu chưa thấy, nhưng sẽ thấy đài này không loại trừ - sẽ tạo điều kiện, tiếp tay cho số người tiêu cực đến tiếp cận, làm quen với “chảy đi sông ơi”...
Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả. Bạn có ý kiến khác xin gửi về Email: [email protected]. Bài viết phù hợp sẽ được Ban biên tập chọn đăng tải. Trân trọng! |
Nguyễn Thành Lập (Hà Nội)
Phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo theo “làn sóng uốn lượn” đạt điểm cao nhất
Cầu Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bắc qua Sông Hồng được thiết kế với biểu tượng những làn sóng liên tục mang lại liên tưởng về hình tượng rồng Thăng Long bay lên…