Ngày cao điểm thu gần 6 tỷ đồng

Giám đốc công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) Nguyễn Viết Tân cho biết, năm 2018 cao tốc  TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc Dầu Giây) thu được 1.100 tỷ đồng tiền thu phí, trung bình mỗi ngày khoảng 3,4 tỷ đồng, ngày cao nhất đạt kỷ lục gần 6 tỷ đồng.

Sau vụ 2 đối tượng cướp 2,2 tỷ đồng tại trạm thu phí cao tốc này, nhiều ý kiến tính toán, trong 1 ca (8h) trạm thu được hơn 3 tỉ, vậy với 3 ca/ngày, cao tốc Dầu Giây có thể thu được 8 - 9 tỉ.

Chưa kể thời điểm sau Tết do lượng xe tải, xe container lưu thông trên tuyến ít nên bình thường số tiền thu được còn cao hơn. 

Về số tiền hơn 3 tỷ đồng trong két sắt, đại diện VEC giải thích, đây là số tiền thu trong 8 ca chứ không phải 1 ca như dư luận đồn đoán. 

Cụ thể, đó là số tiền doanh thu của 2 ca ngày 4/2, 3 ca ngày 5/2 và 3 ca ngày 6/2; tiền quỹ dự phòng tình huống khẩn cấp, tiền lẻ đơn vị vận hành khai thác tuyến chuẩn bị để kịp thời phục vụ khách hàng dịp Tết.

{keywords}
VEC E cho biết, ngày cao điểm nhất cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thu được gần 6 tỷ đồng tiền thu phí


Chánh văn phòng Tổng công ty phát triển đường cao tốc VN (VEC) Đỗ Chí Chung cho hay, trong dịp Tết, do ngân hàng không thực hiện dịch vụ thu tiền thu phí tại các trạm thu phí nên tại thời điểm xảy ra vụ cướp, tổng số tiền trong két sắt tại Phòng Kế toán vé thẻ trạm Dầu Giây là hơn 3,2 tỷ đồng.

“Bọn cướp đã lấy đi 2,2 tỷ, số tiền thực tế còn lại được kiểm đếm ngay sau vụ cướp là hơn 1 tỷ”, ông Chung cho biết.

Ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC khẳng định mức thu của cao tốc Dầu Giây VEC đều có báo cáo và chịu sự giám sát của Tổng cục đường bộ VN. Ngân hàng làm dịch vụ thu hộ nên thu được bao nhiêu cứ đầu ngày hoặc cuối ngày, ngân hàng thu về nộp vào tài khoản.

Số tiền thu được dựa trên số lượng phương tiện được giám sát qua máy đếm phương tiện VEC thuê của nhà thầu. 

PGS-TS Phạm Văn Hùng, Phó viện trưởng Viện KHCN GTVT phía Nam cho rằng, muốn biết được số tiền thu bình quân mỗi ngày hơn 3 tỷ đồng có chính xác không thì phải có số liệu phương tiện đi qua dựa trên mức phí đi qua tuyến đường.

Cơ quan giám sát cũng phải kiểm tra dựa trên số liệu thực tế thì mới có thể giám sát khách quan, còn nếu chỉ thỉnh thoảng xuống kiểm tra thì không chắc số liệu tính toán có minh bạch với thực tế hay không.

Chậm thu phí tự động không dừng, dân nghi ngờ

Cuối năm 2018, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu để đảm bảo tiến độ đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) trên các tuyến cao tốc, VEC phải xây dựng phương án huy động nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.

Theo tiến độ, tuyến cao tốc Dầu Giây triển khai giai đoạn 1 thực hiện 10 làn xong trước 31/12/2018, giai đoạn 2 xong trước 31/12/2019.

Thế nhưng cho đến nay, cao tốc Dầu Giây mới bố trí 8 cửa thu phí tự động không dừng tại 3 trạm thu phí là Trạm thu phí Long Phước gồm 1 cửa vào và 1 cửa ra; Trạm thu phí QL51, bao gồm 4 phân trạm (2 phân trạm đầu vào; 2 phân trạm đầu ra), trong đó mỗi phân trạm bố trí 1 cửa ETC; Trạm thu phí Dầu Giây 1 cửa vào và 1 cửa ra, công nghệ được sử dụng là OBU của Nhật.

PGS-TS Phạm Văn Hùng nhận định, qua vụ việc 2 đối tượng cướp hơn 2 tỷ đồng tại trạm thu phí cao tốc Dầu Giây một lần nữa lại đặt ra vấn đề, tại sao đến nay chủ đầu tư cố tình trì hoãn thu phí ETC.

“Thủ tướng, Bộ GTVT yêu cầu triển khai sớm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai đúng tiến độ nên khi sự việc xảy ra người dân có quyền nghi ngờ về tính minh bạch của trạm thu phí.

Nếu chủ đầu tư cao tốc và các tuyến BOT vì lý do gì để cố tình trì hoãn thực hiện thu phí tự động không dừng thì chắc chắn có chênh lệch mức thu phí”, ông Hùng nói.

Vũ Điệp

Từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô: VEC E không có quyền

Từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô: VEC E không có quyền

VEC E từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô trên cao tốc là trái luật, và việc này phải do Tổng công ty quyết định.