Thông tin về kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành giai đoạn đầu dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chiều nay (4/11), ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND  TP Hà Nội cho biết, ngay sau khi UBND TP Hà Nội tiếp nhận bàn giao tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông từ Bộ GTVT, đúng 7h ngày 6/11 các đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông sẽ chính thức vận hành chở khách thương mại. 

Ông Tuấn cho biết, Dự án đường sắt Cát linh – Hà Đông vận hành theo 3 giai đoạn, giai đoạn vận hành thử đã thực hiện thành công 20 ngày cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Giai đoạn 2 là khai thác thời gian đầu, Hội đồng kiểm tra nhà nước, Bộ GTVT, và UBND TP Hà Nội thống nhất giai đoạn này hoạt động trong 1 năm.

Trên cơ sở thực  tế, tư vấn sẽ đánh giá an toàn hệ thống, khi đạt sẽ triển khai giai đoạn 3 là khai thác thương mại bền vững. 

{keywords}
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy thương mại từ 6/11

Trong giai đoạn đầu có 13 đoàn tàu chạy.  Công suất khai thác cụ thể tuỳ thuộc vào nhu cầu đi lại  của hành khách. 

Ông Vũ Hồng Phương, giám đốc Ban Quản lý dự án (Bộ GTVT) thông tin, hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã cơ bản đáp ứng điều kiện về pháp lý, được Thủ tướng, các bộ ngành chấp thuận cho bàn giao để Hà Nội đưa vào khai thác. 

Khi dự án đưa vào khai thác, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện các công việc còn lại theo theo hợp đồng đã ký với các nhà thầu.

Khi được hỏi về vấn đề có tranh chấp hợp đồng giữa Tổng thầu Trung Quốc với chủ đầu tư, ông Phương cho hay, tranh chấp phải được chứng minh khi 2 bên kiến nghị hoặc khiếu kiện tới cơ quan nào đó. Quá trình triển khai, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông không có tranh chấp. 

“Thực tế có bất đồng giữa chủ đầu tư và tổng thầu do các bên có cách hiểu khác nhau nên chưa đi đến thống nhất. Những bất đồng đang được các bên tiếp tục làm rõ để đi đến thống nhất. Trong trường hợp xảy tranh chấp, cơ quan trọng tài tại Singapore sẽ giải quyết”, ông Phương nói.

Về những vướng mắc liên quan đến kiểm toán dự án, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trách nhiệm quản lý đầu tư xây dựng, nghiệm thu dự án chủ đầu tư phải thực hiện. Tại dự án đường sắt đô thị Cát linh – Hà Đông, trong quá trình thực hiện Kiểm toán nhà nước có vào kiểm tra và chỉ ra một số vấn đề, trách nhiệm thực hiện thuộc Ban quản lý dự án. Những vướng mắc hiện đang được các bên tiếp tục giải quyết, dự kiến cuối năm 2022 mới có thể thực  hiện thanh quyết toán.

Những bài học rút ra từ dự án đường sắt đô thị đầu tiên

Về những bài học được rút ra sau khi thực hiện dự  án đường  sắt Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Đông cho rằng, về tiêu chuẩn đường sắt đô thị hiện nay Việt Nam cơ bản chưa có. Bộ GTVT mới ban hành một số quy định về tiêu chuẩn, quản lý khai thác, còn tiêu chuẩn thiết kế, thiết bị thì chưa có. Do vậy, trong quá trình thực hiện chỉ mới áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam đã  có như tiêu chuẩn về bê tông, xi măng. Còn lại các tiêu chuẩn Việt Nam chưa có vẫn áp dụng theo tiêu chuẩn Trung Quốc.

{keywords}
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông (bên phải) và Phó Chủ tịch TP Hà Nội Dương Đức Tuấn tại buổi họp báo  chiều 4/11

Ông Đông cho rằng, hệ thống tiêu chuẩn của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một bài học. Ngay tiêu chuẩn của Trung Quốc cũng chưa thật đồng bộ, từ khi triển khai dự án chưa có tiêu chuẩn khai thác. Vì thế, trong quá trình thực hiện chúng ta phải tiếp cận nên sau này phải cập nhật thêm. Đây là bài học rút ra để sau này thực hiện các dự án tương tự sẽ đồng bộ, nhanh và rút ngắn thời gian hoàn thành.

Bài  học tiếp theo được đại diện Bộ GTVT rút ra đó là bài học về giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo ông Đông đối với dự án đường sắt đô thị đi trong nội đô thì GPMB cần phải được tách riêng thành một dự án làm trước. Tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đáng lẽ ra công  tác này phải hoàn thành từ năm 2015, nhưng thực tế lại vướng đến 2017 và kéo theo điều chỉnh thiết kế làm dự án chậm tiến độ. 

“Thực tế nếu có mặt bằng sạch, dự án Cát Linh – Hà Đông thi công xây dựng hoàn thành chỉ trong 3 năm. Khi thực hiện nếu giải quyết được mặt bằng cũng sẽ tách bạch được trách nhiệm của các bên”, ông Đông nói.

Ngoài ra hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng) giữa Việt Nam và thông lệ quốc tế còn có sự khác biệt, Việt Nam cần quy định chi tiết hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế để tránh phát sinh tranh chấp.

“EPC theo thông lệ quốc tế tổng thầu, nhà thầu thiết kế, thi công lắp đặt chạy tàu cho đến khi hoàn thành bàn giao theo kiểu chìa khoá trao tay, nhưng thực tế khi triển khai lại phải duyệt cả kỹ thuật, dự toán… Việc này Bộ  GTVT đang đề  xuất kiến  nghị có điều chỉnh”, ông Đông thông tin.

Bài học khác là thời gian nghiệm thu kéo dài. Thứ trưởng Đông thừa nhận, dự án rất mới nên phải đối chiếu, các cơ quan đều rất thận trọng, tiêu chuẩn chưa đồng bộ vừa làm vừa cập nhật. Do đây là dự án đầu tiên, thí điểm nên có những cái ta chưa biết, nhiều bài học cần rút ra. 

 Về trách nhiệm các cơ quan, Bộ GTVT đã báo cáo trách nhiệm chung thuộc về chủ đầu tư, giải phóng mặt bằng thuộc Hà Nội. Bộ sẽ phân tích đánh giá trách nhiệm cụ thể các cơ quan liên quan và xử lý theo quy định.

Phó Chủ tịch TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, công tác GPMB Hà Nội đã để lại bài học lớn cho TP, tuyến này chậm 5-6 năm, GPMB  chậm 3 năm. Dự án như một cuộc di dời, với hơn 100 ha phải giải tỏa. Khoảng 2.000 hộ dân tại ba quận Thanh  Xuân, Đống Đa, Hà Đông phải di dời. 

Dù có Luật Đường sắt, song vẫn gặp vướng mắc về cơ chế chính sách, khiếu nại kiến nghị, tố cáo rất nhiều. 

 

Ngày 6/11, tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức chạy thương mại

Ngày 6/11, tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức chạy thương mại

Ngay sau khi UBND TP Hà Nội tiếp nhận bàn giao tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông từ Bộ GTVT, đúng 7h ngày 6/11, tuyến đường đô thị đầu tiên của cả nước chính thức chạy thương mại.

Vũ Điệp