- Trao đổi với VietNamNet, Trưởng ban Thư ký biên tập Đài truyền hình Việt Nam (VTV) Nguyễn Hà Nam khẳng định hiện VTV xác định không mua bản quyền Asiad vì mức giá mà đối tác đề nghị cao một cách vô lý và không giảm 1 xu.

Đối tác và VTV đều rất… “rắn”

U23 Việt Nam chính thức bước vào chiến dịch Asiad 2018 khi đối đầu với Pakistan vào ngày mai (14-8). Tuy nhiên, có đến 99,99%, VTV không mua được bản quyền truyền hình Asiad 2018, dù rằng nhiều người đã mong chờ có thêm doanh nghiệp hỗ trợ giống như VTV đã nhận được khi mua bản quyền World Cup 2018.

{keywords}
U23 Việt Nam thi đấu tại Asiad vào ngày mai (14/8)...

Trao đổi với VietNamNet sáng nay, ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng ban Thư ký biên tập VTV, thừa nhận cuộc đàm phán gần như không có kết quả bất ngờ nào phút cuối.

“Phía đối tác KJSMWORLD CORP, công ty có trụ sở tại Hàn Quốc - đơn vị mua lại từ Ban tổ chức Á vận hội bản quyền sự kiện này tại lãnh thổ Việt Nam, đã kiên quyết không hạ giá.

Trong khi đó, quan điểm ngay từ đầu của VTV cũng không mua với mức giá phi lý mà đối tác đưa ra. Cả hai bên đã trải qua một quá trình dài thương thảo, đến thời điểm này không bên này xuống nước cả”, ông Nguyễn Hà Nam chia sẻ.

Theo một số nguồn tin, phía công ty KJSMWORLD CORP đã “hét giá” với mức 4 triệu USD. Điều đáng nói là ở những kỳ Asiad trước, hầu như các đài Việt Nam được ban tổ chức “tặng” bản quyền miễn phí hoàn toàn.

Đại diện của VTV cho rằng sau thành công của đội tuyển U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2018, các công ty nước ngoài sở hữu bản quyền đều quyết tâm thu nhiều tiền nhất có thể từ việc bán bản quyền truyền hình trên lãnh thổ Việt Nam. Sau World Cup là Asiad, và sắp tới có thể là AFF Cup 2018 và VCK Asian Cup 2019.

Không chỉ là cuộc chiến bản quyền Asiad

Trước câu hỏi của phóng viên về việc liệu có khả năng sau khi U23 Việt Nam thi đấu 1-2 trận, đối tác mới bán bản quyền?, ông Nam cho biết: “Rất khó có khả năng đó xảy ra, bởi nếu đối tác chịu xuống nước họ đã làm rồi”.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực mua bán bản quyền truyền hình, các công ty sở hữu bản quyền ở một quốc gia, vùng, lãnh thổ nào đó, họ sẵn sàng chấp nhận bỏ chứ không bán với giá rẻ, dẫn đến việc bị “mất giá” ở những giải đấu lớn tiếp theo.

{keywords}
Người hâm mộ Việt Nam vẫn đang chờ đợi tin vui về bản quyền Asiad của VTV

Thực tế thì phân tích này cũng đúng với những gì đang diễn ra trong “cuộc chiến” đàm phán bản quyền truyền hình Asiad 2018 giữa VTV và đối tác. Về phần mình, VTV không chấp nhận mức giá trên trời từ công ty Hàn Quốc, xác định “trắng sóng” trực tiếp các trận đấu của U23 Việt Nam cũng như các môn thể thao khác, cũng là câu chuyện đường dài của đơn vị này,.

Nếu chấp nhận mức giá 4 triệu USD từ đối tác, VTV không chỉ có nguy cơ lỗ rất lớn, mà tiếp tục bị hét giá ở AFF Cup 2018, chỉ diễn ra sau Asiad khoảng 3 tháng.

“Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi không thể mang những trận đấu hấp dẫn của U23 Việt Nam tới người hâm mộ cả nước. Thế nhưng trong điều kiện cho phép, VTV vẫn cố gắng sản xuất các chương trình bên lề, đồng hành cùng Asiad, để phần nào đó bù đắp lại thiệt thòi không được xem trực tiếp của người hâm mộ Việt Nam”, ông Nguyễn Hà Nam nhấn mạnh.

Như vậy là vấn đề bản quyền Asiad 2018 rất khó có bất ngờ phút chót. Thời điểm này, 1 ngày trước trận ra quân của U23 Việt Nam, nhiều người đã bắt đầu tìm kiếm các kênh “lậu” (phần lớn là của nước ngoài, đặc biệt là Indonesia), để cổ vũ cho thầy trò HLV Park Hang Seo. Dù xem theo cách này không “đã con mắt”, nhưng cũng là giải pháp tình thế tốt nhất.

Song Ngư