1. Sau 7 năm là một trong số ít đội bóng có bản sắc từ lối chơi cho đến sự cổ vũ của khán giả, nhưng đến ngày 25/8/2021 Than Quảng Ninh chính thức thông báo dừng hoạt động vì nợ nần.
Số tiền mà đội bóng đất Mỏ đang nợ các cầu thủ từ lương, thưởng, lót tay chuyển nhượng... lên tới 70 tỷ đồng và ông chủ đội bóng không có khả năng chi trả dẫn đến phải tuyên bố ngưng hoạt động trong sự nuối tiếc của nhiều người.
Nói rõ hơn, với những khủng hoảng trong khoảng 2 năm trở lại đây về kinh tế lẫn hàng loạt câu chuyện không vui kéo dài như suýt bỏ V-League 2021, cầu thủ đình công... thì việc Than Quảng Ninh dừng hoạt động đến lúc này có khi còn là... muộn.
Than Quảng Ninh là đội bóng giàu bản sắc bậc nhất V-League |
Số phận Than Quảng Ninh như mành chỉ treo chuông, chỉ cần lãnh đạo vùng mỏ lắc đầu, từ chối cứu con thuyền đắm thì CLB có bề dày từ năm 1956 chính thức xoá sổ. Nếu xảy ra, đó là cái kết quá buồn cho địa phương vừa được xem là "đất bóng đá", với những cầu thủ tài năng và CĐV thì độ nhiệt bậc nhất Việt Nam.
2. Việc Than Quảng Ninh dừng hoạt động, thậm chí có thể xoá sổ trên bản đồ bóng đá nước nhà nếu lãnh đạo tỉnh không mặn mà trên thực tế chẳng phải chuyện mới mẻ gì ở Việt Nam.
Phần lớn CLB, đội bóng Việt Nam sống nhờ vào hầu bao của các ông bầu và khi họ chán, hoặc những lý do bất khả kháng thì coi như... xong. Rất nhiều, từ Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn, Vinakansai Ninh Bình, Hoà Phát Hà Nội... đã biến mất trên bản đồ bóng đá nước nhà là ví dụ thực tế.
Trong hơn 20 năm bóng đá Việt Nam chuyển đổi mô hình lên chuyên nghiệp, cũng có chừng đó CLB bị xoá sổ từ V-League đến hạng Nhất... đủ gióng lên hồi chuông cảnh báo với những địa phương, ông bầu muốn bước vào làm bóng đá.
sau những lùm xùm về tiền bạc |
Điều đó cho thấy, các CLB xem ra cũng phải tự mình thay đổi trước khi sống nhờ vào hơi thở của những ông bầu. Còn nếu như tiềm lực có hạn cả về tài chính, cách làm... nên chăng chuyển sang sân chơi phong trào, thay vì lên chuyên nghiệp rồi thình lình giải tán.
3. Một đội bóng giải tán, biến mất rõ ràng là câu chuyện riêng của các địa phương, doanh nghiệp. Nhưng thật khó mà nói VPF, VFF vô can hay không liên quan gì.
Than Quảng Ninh có thể đá V-League 2021 hay không khi trước mùa giải nợ lương, thưởng nếu VPF, VFF từ chối cấp phép? Câu trả lời đương nhiên không thể, bởi đội bóng đất Mỏ vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp một cách quá rõ.
Thế nhưng, trong bối cảnh nợ lương, thưởng rồi cầu thủ đình công ấy từ Than Quảng Ninh thì VPF, VFF với sự xuề xoà, cả nể vẫn đồng ý cho đội bóng này tham dự V-League 2021 như bao CLB đạt chuẩn khác.
VPF, VFF không thể lỏng lẻo trong việc cấp phép hoạt động cho các CLB |
Đội bóng đất Mỏ không phải là trường hợp cá biệt được VPF, VFF cấp phép tham dự các giải đấu cao nhất Việt Nam, bất chấp không đạt chuẩn với các quy chế của bóng đá chuyên nghiệp được ban hành.
Một đội bóng giàu thành tích, lịch sử như Than Quảng Ninh dừng hoạt động, thậm chí sau đó là xoá sổ trong bối cảnh chuyên nghiệp âu cũng là chuyện thường, nếu không theo kịp được thời cuộc. Chỉ có điều, nếu VPF, VFF siết chặt hơn những quy định và làm quyết liệt ngay từ đầu có khi mọi chuyện đã khác.
Có nghĩa tự thân VPF, VFF phải cho thấy sự quyết liệt như thế nào để các đội bóng muốn lên chuyên nghiệp biết mình cần phải có sự đảm bảo như thế nào, chứ như trước đây đôi khi cứ thăng hạng đi rồi mới tính thì không vỡ trận đã là may.
Chuyện hài hước mà đau xót: một khi mùa giải 2021 không bị huỷ như kết cục vừa qua rồi Than Quảng Ninh bất ngờ ngưng hoạt động, lúc đó VPF, VFF tính ra sao?
Mai Anh
Than Quảng Ninh dừng hoạt động, cầu thủ lo bị "quỵt nợ"
Cầu thủ Than Quảng Ninh không biết đòi nợ ai sau khi đội bóng vùng mỏ chính thức dừng hoạt động 1 năm.