- Như một lẽ tự nhiên trọng tài chỉ quen ưu ái... kẻ mạnh, Tây hay ta cũng đều vậy. Trong nỗi thất vọng bị o ép, kẻ yếu sẽ chiến đấu bằng cả tinh thần fair-play hay nổi loạn, để rồi diễn cảnh trò hề như Long An?

Khi trọng tài bênh các... ông lớn

Cuối tuần qua có lẽ là tâm điểm của những sai lầm ở bóng đá châu Âu, liên quan đến các trọng tài.

Ở Anh, các trọng tài đã từ chối bàn thắng hoàn toàn hợp lệ mà Manalo Gabbiadini thực hiện vào lưới MU. Đó là một bước ngoặt quan trọng để MU vượt qua Southampton và giành League Cup.

{keywords}

Bàn thắng hợp lệ của Gabbiadini vào lưới MU bị trọng tài cướp, Southampto vẫn chiến đấu mạnh mẽ

Sai lầm ở Tây Ban Nha còn nghiêm trọng hơn, trong trận đấu giữa Villarreal và Real Madrid.

Theo đó, trọng tài Gil Manzano đã tặng cho Real một quả phạt đền, khi đội chủ nhà Villarreal đang dẫn 2-1 và có thế trận tốt hơn.

Cùng với quả phạt đền tưởng tượng, trọng tài Gil Manzano cũng không cho phép Villarreal khiếu nại. HLV Fran Escriba đòi hỏi sự công bằng cho đội nhà, và ông bị truất quyền chỉ đạo ngay lập tức.

Sau đó, khi Real dẫn ngược 3-2, Villarreal bị từ chối quả phạt 11m, trong tình huống Mario dứt điểm đập cánh tay Marcelo rất lộ liễu.

Bóng đá Italia cũng có sai lầm trong nhận định của trọng tài, ở trận chủ nhà Sassuolo thua Milan 0-1. Bàn thắng duy nhất của trận đấu là cú sút 11m mà tiền đạo Carlos Barca thực hiện sai luật.

Thay vì cho Sassuolo được đá phạt gián tiếp, vì Bacca chạm bóng 2 lần khi đá 11m, trọng tài lại công nhận bàn thắng, khiến Sassuolo thua oan uổng.

Bóng đá là vậy, luôn có những sai lầm. Chính những sai lầm cũng góp phần tạo nên sự thú vị (và tranh cãi), biến bóng đá thành môn thể thao hấp dẫn nhất hành tinh.

Ở nhiều nền bóng đá, công nghệ kỹ thuật bị từ chối. Tây Ban Nha là một trong số đó. La Liga vẫn chưa chấp nhận cho phép trọng tài xử lý dựa vào sự hỗ trợ của công nghệ.

Bởi vì, họ quan niệm trọng tài cũng là con người, có lúc sai lầm trong nhận định, thậm chí là thiên vị có chủ ý (không phải ngẫu nhiên mà mùa này Real đang hưởng lợi từ sai lầm có hệ thống của đội ngũ trọng tài).

{keywords}

Villarreal bị thổi phạt đền oan, nhưng họ không bỏ cuộc và thủ môn cũng không quay lưng lại với bóng

Theo dõi thường xuyên các giải bóng đá hàng đầu thế giới mới thấy, sai lầm của trọng tài có tỷ lệ rất cao.

Nói cách khác, trọng tài Tây hay ta thì cũng có sai lầm không tránh khỏi.

Chiến đấu hay nổi loạn?

Ở đây, chúng ta không nói về sai lầm mang tính chủ động, "đì" đội này và giúp đội kia chiến thắng (như đã đề cập ở phần trên về Real Madrid và lợi thế từ trọng tài).

Điều đáng quan tâm là thái độ của đội bóng chịu bất lợi.

Southampton bị cướp bàn thắng hợp lệ, để rồi sau đó nhận liên tiếp 2 bàn thua. Nhưng họ không bỏ cuộc, mà vẫn chiến đấu để gỡ hòa với tinh thần rất đáng khen, và chỉ chịu thua trước một MU có nhiều cá nhân giỏi hơn trong những phút cuối.

Villarreal cũng vậy. Họ bị xử ép rõ ngay trên sân nhà của mình, phải chịu những chiếc thẻ phạt, nhưng "Tàu ngầm vàng" không tự ý rời sân như một cách phản đối trọng tài.

Khiếu nại không được, Villarreal chấp nhận tiếp tục cuộc chơi với bất lợi thuộc về mình. Thủ môn Andres Fernandez không quay lưng lại khi Cristiano Ronaldo đá phạt đền. Không một ai trong đội yêu cầu Fernandez phải bỏ khung thành hay quay lưng lại.

{keywords}

Thái độ của người trong cuộc phản ánh bộ mặt của cả nền bóng đá

Ronaldo cũng chẳng cần phải tỏ ra cao thượng bằng cách cố ý đá ra ngoài. Anh vẫn sút rất căng để mang về bàn thắng quý giá cho Real, góp phần giúp CLB Hoàng gia Tây Ban Nha bảo vệ ngôi đầu bảng.

V-League hay La Liga thì cũng tồn tại sai lầm, hoặc bất công - theo cách nói của người trong cuộc. Khác biệt lớn giữa hai nền bóng đá là thái độ và sự chuyên nghiệp.

Không thể đòi hỏi chất lượng chuyên môn của V-League phải ngang Liga hay Premier League. Nhưng thái độ tương tự là cần thiết.

Phải có ý thức trách nhiệm, có thái độ tốt thì mới chuyên nghiệp. Khi mà đội bóng hành xử kém, không chuyên nghiệp thì đừng đòi hỏi trọng tài phải chuyên nghiệp với mình, và đừng mong một nền bóng đá chuyên nghiệp.

Như Jose Mourinho từng mỉa mai không dưới hai lần (để phản đối điều không hài lòng), ông thích mở ti vi xem bóng đá Việt Nam vì có nhiều trò vui. Chung quy thì bóng đá nội cũng chỉ để mua vui mà thôi, giống như các chương trình game show đang thống trị truyền hình!

Lan Mi (TP. HCM)