- Hơn 400 triệu euro đã dùng cho việc mua các ngôi sao hàng đầu thế giới, Trung Quốc đang lũng đoạn bóng đá thế giới bằng sức mạnh đồng tiền.

Khiêu vũ với đồng tiền

Oscar đã chính thức hoàn tất các thủ tục gia nhập Shanghai SIPG từ Chelsea, có tổng mức giá 70,5 triệu euro, để trở thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc.

Lấy ngày 1/7/2016 làm cột mốc - tức thời điểm chuyển nhượng bóng đá châu Âu mùa 2016-17 bắt đầu mở cửa - các CLB Trung Quốc đã chi nhiều hơn 400 triệu euro cho việc mua cầu thủ mới.

{keywords}

Oscar lập kỷ lục chuyển nhượng của bóng đá Trung Quốc

Đây là con số mà ngay cả những giải đấu hàng đầu châu Âu như Serie A (Italia), Bundesliga (Đức), Ligue 1 (Pháp) cũng khó mà đạt được.

Người Trung Quốc chưa dừng lại. Sau Oscar, sẽ còn nhiều gương mặt khác được mang về Chinese Super League. Lúc này, người ta đang mơ về những Pepe (Real Madrid), Arda Turan (Barca), Angel Di Maria (PSG), Wayne Rooney (MU)…

Thị trường chuyển nhượng Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt qua mốc 500 triệu euro. Đến lúc đó, Super League sẽ qua mặt La Liga - với 492 triệu euro mua sắm trong mùa giải này - để trở thành giải đấu có tổng giá trị chuyển nhượng cao thứ 2 thế giới.

Cho đến lúc này, Premier League đang là giải đấu tiêu tiền nhiều nhất. Các CLB ở giải đấu cao nhất hệ thống bóng đá Anh đã chi hơn 1,3 tỉ euro để tăng cường cầu thủ trong mùa Hè 2016.

Trung Quốc đang khiến cho châu Âu lo lắng với cách mà họ vung tiền mua các “sao khủng”. Những đại gia châu Âu sợ hãi việc đại diện lắm tiền của Super League sẽ phá giá cầu thủ, đẩy bóng đá lục địa già vào cảnh lao đao.

Không chỉ vung tiền vào chuyển nhượng, các CLB Super League còn trả những khoản lương đáng sợ. Khi hoàn tất mọi thủ tục để trở thành cầu thủ của Shanghai Shenhua, Carlos Tevez sẽ nhận được 39 triệu euro tiền lương.

{keywords}

Sang Trung Quốc, Tevez sẽ nhận lương cao hơn Messi và Ronaldo cộng lại

Con số 39 triệu euro nói lên điều gì? Tevez sẽ có thu nhập từ lương cao hơn cả Lionel Messi (20 triệu euro) và Cristiano Ronaldo (18; chưa tính thưởng) cộng lại.

Sự hậu thuận của chính phủ và ngân hàng

Hơn 10 năm trước, Roman Abramovich được xem là một nhà cách mạng của bóng đá thương mại, khi bỏ tiền túi mua lại quyền sở hữu của Chelsea, biến đội bóng thành London trở thành thế lực hàng đầu nước Anh và châu Âu.

Sau Abramovich, đến lượt các Hoàng thân Ả rập đầu tư vào bóng đá châu Âu, từ Premier League đến La Liga, Ligue 1...

Người Trung Quốc cũng mua lại các đội bóng châu Âu, hoặc đầu tư để nắm giữ khoản cổ phần nhất định. Có thể kể đến các tên tuổi như Inter (sở hữu chính), Atletico (nắm 20%) và sắp tới là AC Milan (đang trong quá trình thanh toán).

Đồng thời, người Trung Quốc còn mang những ngôi sao hàng đầu thế giới về giải đấu Super League non trẻ của mình.

Đó mới là điều ấn tượng. Từ một nền bóng đá không được chú ý, ĐTQG cũng chỉ thuộc hạng hai châu Á, giờ đây Trung Quốc đang hình thành một “kinh đô” mới của túc cầu giáo, và sẽ đủ khả năng thách thức châu Âu trong tương lai gần. Ở đây, ít nhất là thách thức về khả năng chiêu mộ ngôi sao.

{keywords}

Chủ tịch Tập Cận Bình đang là sự hậu thuẫn lớn để bóng đá Trung Quốc phát triển

Trung Quốc đang lũng đoạn bóng đá thế giới, điều đó không còn gì nghi ngờ nữa.

Câu hỏi đặt ra là vì sao họ làm được điều đó? Trả lời: sự hẫu thuẫn từ chính phủ.

FIFA tách biệt bóng đá và chính trị. Trung Quốc không đưa chính trị vào bóng đá, mà thay vào đó những quan chức hàng đầu của chính phủ nước này kêu gọi phát triển môn thể thao vua.

Trong đó, Chủ tịch Tập Cận Bình là một CĐV lớn của bóng đá. Không thể phủ nhận, chính ông đang tạo sức hút để các nhà đầu tư đổ tiền vào bóng đá ở đất nước đông dân nhất thế giới (trên 1,3 tỉ).

Khi ấy, các ngân hàng cũng vào cuộc, tạo nên một dòng chảy kinh tế đa dạng.

Từ nền kinh tế mạnh, phát triển bóng đá càng trở nên dễ dàng hơn, để rồi người ta lấy những ngôi sao Oscar, Hulk, Tevez, Lavezzi… hệt như lấy món đồ trong túi.

Đại Phong