Theo Reuters, việc WHO không thể xác định virus bắt nguồn từ đâu và bắt đầu lây lan như thế nào đã làm gia tăng căng thẳng giữa các nước thành viên, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, nơi ghi nhận các ca mắc Covid-19 đầu tiên ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019.
Nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19 hồi tháng 2/2021. Ảnh: Reuters |
WHO kêu gọi tất cả các chính phủ hợp tác để đẩy nhanh các nghiên cứu về nguồn gốc đại dịch và "phi chính trị hóa tình hình". Phát biểu tại một cuộc họp báo của Liên Hợp Quốc hôm 13/8, phát ngôn viên WHO Fadela Chaib nói, một nhóm chuyên gia mới, có tên gọi Nhóm Cố vấn khoa học quốc tế về nguồn gốc của các mầm bệnh mới sẽ hỗ trợ "việc tiến hành nhanh chóng" các nghiên cứu sâu hơn.
Cùng ngày, Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch của WHO, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng "sự chú trọng các nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học và các nỗ lực dựa trên dữ liệu nhằm tìm ra nguồn gốc đại dịch có thể giúp nhân loại phát hiện, ngăn chặn và đối phó tốt hơn trước các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai".
Trong báo cáo cuối cùng có sự tham gia của các nhà khoa học Trung Quốc, một nhóm điều tra quốc tế do WHO dẫn đầu, sau khi dành 4 tuần tìm hiểu quanh Vũ Hán hồi đầu năm nay đã kết luận rằng, virus có thể lây truyền từ dơi sang người thông qua một động vật trung gian. Báo cáo cũng viết, việc virus rò rỉ từ một phòng thí nghiệm "rất khó có khả năng xảy ra".
Tuy nhiên, trong một bộ phim tài liệu phát sóng tại quê nhà Đan Mạch ngày 12/8, trưởng phái đoàn điều tra WHO Peter Ben Embarek bày tỏ, giả thuyết về phòng thí nghiệm đáng được điều tra kỹ hơn. Ông Embarek thậm chí tiết lộ, các nhà nghiên cứu Trung Quốc tham gia nhóm điều tra từng tìm cách tác động tới báo cáo kết quả.
Truyền thông Trung Quốc trích dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triêu Húc bác bỏ lời kêu gọi của WHO về việc điều tra lại nguồn gốc đại dịch.
Cuba thông báo vắc xin tự chế đạt hiệu quả cao
Tập đoàn dược phẩm sinh học Cuba (BioCubaFarma) hôm 13/8 đã công bố các dữ liệu sơ bộ về mức độ hiệu quả của hai vắc xin ngừa Covid-19 sản xuất trong nước có tên Abdala và Soberana 2. Trong tổng số 2,5 triệu người tiêm thử nghiệm, có 21.000 người nhiễm virus, chiếm 0,8% nhưng chỉ có 99 người tử vong, chiếm 0,003%. Điều này đồng nghĩa, các vắc xin giúp ngăn ngừa tới 99,997% ca tử vong và có tác dụng với cả biến thể Delta.
Theo Reuters, nhà chức trách Cuba hôm 9/7 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Abdala sau khi kết quả thử nghiệm cho thấy, sản phẩm này đạt công hiệu tới 97% nếu được tiêm đủ 3 liều.
Eduardo Martinez, lãnh đạo BioCubaFarma nói, hãng dược phẩm này sẽ sản xuất đủ vắc xin để chủng ngừa cho toàn bộ người dân Cuba trước tháng 9 năm nay.
Cuba đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Delta gây ra. Suốt 2 tuần qua, số ca mắc mới tại quốc gia Nam Mỹ này luôn trên 8.000 ca/ngày. Tổng số ca mắc ở Cuba hiện là hơn 500.000 người, trong đó 3.842 bệnh nhân không qua khỏi.
Mỹ duyệt tiêm liều vắc xin thứ 3 cho người suy yếu miễn dịch
Các nhà quản lý Mỹ hôm 13/8 đã chính thức cho phép tiêm liều vắc xin thứ 3 của Pfizer/BioNTech và Moderna cho những người có hệ miễn dịch suy yếu, nhiều khả năng sẽ có sự bảo vệ kém hơn nếu chỉ chủng ngừa 2 liều.
Trước đó một ngày, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã sửa đổi giấy phép dùng khẩn cấp cho cả hai loại vắc xin ngừa Covid-19 nói trên, mở đường cho những người đã được cấy ghép nội tạng hoặc những người có mức độ suy giảm hệ miễn dịch tương tự được tiêm thêm một liều bổ sung cùng loại vắc xin đã dùng ban đầu.
Một ban cố vấn cho Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã bỏ phiếu tán thành đề xuất các mũi tiêm tăng cường và giám đốc của cơ quan này đã ký vào khuyến nghị đó hôm 13/8. Lệnh có hiệu lực ngay lập tức. Việc tiêm trộn các vắc xin mRNA cũng được phép đối với liều thứ 3 nếu vắc xin ban đầu không có sẵn.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 14/8 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 206,9 triệu người, xấp xỉ 4,4 triệu ca tử vong. Song, hơn 185,5 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 37,3 triệu ca mắc và 637.132 bệnh nhân không qua khỏi.
- Thái Lan hôm 13/8 ghi nhận thêm 23.418 ca nhiễm mới, mức tăng kỷ lục trong một ngày kể từ đầu dịch. Tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này đã lên tới 863.189 ca, bao gồm 7.126 trường hợp tử vong.
- Cùng ngày, Chính phủ Philippines thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả các du khách đến từ Ấn Độ và 9 nước khác từ ngày 16 - 31/8 nhằm ứng phó với diễn biến dịch phức tạp. Chỉ trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 13.177 ca mắc mới và 299 bệnh nhân thiệt mạng, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên hơn 1,7 triệu người, trong đó 29.838 ca tử vong.
- Theo các nhà phân tích và đầu tư lĩnh vực sức khỏe, hãng dược Mỹ Pfizer cùng đối tác Đức BioNTech và công ty đồng hương Moderna tổng cộng đã kiếm được hơn 60 tỷ USD doanh thu từ các hợp đồng cung ứng vắc xin chỉ trong hai năm 2021 - 2022. Các nhà phân tích dự báo, Pfizer/BioNTech và Moderna sẽ đạt doanh thu lần lượt hơn 6,6 tỷ USD và 7,6 tỷ USD vào năm 2023, chủ yếu đến từ doanh số bán các liều vắc xin để tiêm mũi bổ sung thứ 3.
- Một tòa án ở Anh ngày 13/8 đã kết án 3 năm rưỡi tù giam với David Chambers, 33 tuổi, một kẻ bị kết tội giả mạo nhân viên thuộc dịch vụ y tế công NHS lừa bán vắc xin Covid-19 giả cho một cụ bà 93 tuổi ở vùng ngoại ô Surbiton, phía tây London.
Tuấn Anh
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Nhật vượt mốc 1 triệu ca Covid-19, Philippines tái áp phong tỏa thủ đô
Truyền thông Nhật đưa tin, nước này vừa vượt mốc 1 triệu ca mắc Covid-19, trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh vì biến thể Delta đang càn quét nhiều nơi, từ thủ đô Tokyo tới những vùng đô thị khác.
CDC Mỹ: Dưới 1% ca mắc Covid-19 sau tiêm chủng đầy đủ phát bệnh nặng
Các dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, không đầy 1% số người nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm chủng đầy đủ (ca mắc Covid-19 đột phá) phải nhập viện điều trị hoặc tử vong.