{keywords}
Noor Mukadam. Ảnh: CNN

Nạn nhân 27 tuổi - Noor Mukadam - được cho là bị người quen Zahir Jaffer tra tấn và chặt đầu tại Islamabad, thủ đô Pakistan vào ngày 20/7, theo báo cáo cảnh sát mà CNN thu thập được.

Zahir, 30 tuổi, là con trai của một gia đình có ảnh hưởng ở Pakistan.

Mỗi năm, hàng trăm phụ nữ ở Pakistan bị giết hại dã man nhưng ít khi được truyền thông chú ý và thủ phạm thường thoát tội. Vì thế, vụ án của Noor có lẽ cũng sẽ chỉ là một con số thống kê nếu cô không phải là con gái của một cựu quan chức ngoại giao, CNN nhận định trong bài viết ngày 8/8.

Trước cái chết của Noor, nhiều nhóm bảo vệ quyền lợi phụ nữ đang kêu gọi thông qua dự luật mang tính bước ngoặt nhằm giải quyết nạn bạo lực gia đình ở Pakistan.

Điện thoại nạn nhân tắt máy

Noor là con gái của Shaukhat Mukadam, nhà ngoại giao xuất sắc từng là đại sứ Pakistan tại Hàn Quốc và Ireland.

Theo nội dung khai với cảnh sát, ông Shaukhat nói tối 19/7 đã cùng vợ đi mua sắm chuẩn bị cho lễ Eid. Chạng vạng tối, họ quay lại nhà mà con gái vẫn chưa về, điện thoại của cô gái tắt máy. Hai vợ chồng lập tức kêu gọi bạn bè tỏa đi tìm con, theo lời khai của ông Shaukhat.

Trước đó, Noor từng gọi bố mẹ để thông báo mình sẽ cùng bạn tới Lahore, thành phố lớn thứ hai của Pakistan, và bảo bố mẹ đừng lo. Đây cũng là lần cuối cùng ông Shaukhat được nghe tiếng con.

Chiều hôm sau, ngày 20/7, Zahir bất ngờ gọi cho gia đình Mukadam để nói Noor không đi cùng mình. Nhưng chỉ vài tiếng sau, ông Shaukhat nhận tin con gái bị sát hại và được cảnh sát đưa tới căn nhà của gia đình Zahir để nhận thi thể.

Zahir bị bắt giữ tại hiện trường vụ án mạng và bị khởi tố tội giết người có suy tính trước. Cảnh sát chưa đưa ra động cơ gây án.

Noor và Zahir, cũng như hai gia đình, là chỗ quen biết, theo ông Shaukhat.

{keywords}
Ảnh: CNN

Bố mẹ Zahir, Asmat Jaffer và Zakir Jaffer, cũng bị bắt giữ vì tội che giấu chứng cứ và tiếp tay phạm tội, theo báo cáo cảnh sát. Họ sở hữu công ty Ahmed Jaffer & Company (Pvt) Ltd - một trong những công ty quản lý dự án và thương mại lâu đời nhất của Pakistan.

Cả hai người đều bị từ chối cho tại ngoại vào ngày 5/8 do có thông tin cho thấy họ “cố gắng tận lực” phi tang chứng cứ, theo quyết định tòa án mà CNN thu được.

Trả lời CNN, luật sư của nghi can Asmat và Zakir cho biết hai thân chủ của mình đã công khai lên án vụ án mạng. “Chúng tôi cùng đứng về phía người bị hại và không đứng về phía con trai mình”, tuyên bố của họ cho biết.

Không có luật trừng phạt bạo lực với phụ nữ

Cái chết của Noor đã làm nổi rõ cảnh ngộ của nữ giới tại Pakistan, nơi tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đang trở nên đáng báo động, theo báo cáo năm 2020 của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch.

Khoảng 28% phụ nữ trong tuổi 15-49 từng bị bạo lực cơ thể từ tuổi 15, Bộ Nhân quyền Pakistan dẫn dữ liệu từ khảo sát năm 2017-2017 cho biết.

Hiện không có luật trừng phạt hành vi bạo lực với nữ giới ở quy mô quốc gia, nhưng một số tỉnh tại Pakistan đã tự ra quy định.

Chẳng hạn, 2 tỉnh Sindh và Balochistan cấm hành vi bạo lực gia đình, bao gồm ngược đãi thể chất, cảm xúc, ngôn từ, và kinh tế. Nếu bị kết án, người phạm tội có thể bị phạt tù và phải bồi thường.

Cái chết của Noor được các nhà hoạt động nữ quyền cho là nguyên nhân chính phủ cần thông qua dự luật Bạo lực Gia đình Pakistan. Tuy chỉ áp dụng với Lãnh thổ Thủ đô Islamabad, nhũng người này tin rằng dự luật trên sẽ thúc đẩy các tỉnh khác thông qua điều khoản tương tự.

Trước đó, sau 2 tháng trì hoãn, dự luật Bạo lực Gia đình Pakistan được cả Thượng viện và Quốc hội Pakistan thông qua và được trình lên thủ tướng ký ban hành vào ngày 21/6.

Nhưng đầu tháng 7, một cố vấn cho thủ tướng Pakistan đã viết thư yêu cầu Hội đồng Hồi giáo xét lại dự luật vì cho rằng nó “đi ngược lại (điều cấm) và lối sống đạo Hồi”, theo lá thư bị rò rỉ.

Hội đồng Hồi giáo là cơ quan có chức năng đánh giá xem một đạo luật có đi ngược lại giáo huấn đạo Hồi hay không. Theo CNN, năm 2016, cơ quan này từng đề xuất dự luật cho phép đàn ông “nhẹ tay đánh” vợ.

Hiện chưa rõ thời điểm Hội đồng Hồi giáo sẽ phản hồi yêu cầu của cố vấn thủ tướng.

Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ lo ngại hội đồng bảo thủ này sẽ dùng ảnh hưởng để bác dự luật trên, qua đó gửi đi thông điệp rằng bạo lực đối với phụ nữ ngay dưới mái nhà của họ là điều được cho phép hoặc thậm chí dung túng.

“Pakistan không thể có thêm nhiều Noor khác”

Những ngày sau vụ án mạng, người dân tại quê nhà Noor đã tuần hành phản đối và tổ chức buổi tưởng niệm nạn nhân.

Một số thành phố khác trên thế giới cũng diễn ra biểu tình tại Dublin, Los Angeles, New York, London, và Toronto để tưởng nhớ Noor và phản đối tội ác với phụ nữ tại Pakistan.

“Đất nước này không thể có thêm nhiều Noor khác”, Raifa Zakaria, một tác giả ủng hộ nữ quyền, cho biết.

Sara Mukadam, chị của Noor, nhận xét em họ mình là một “người có nhân cách đẹp” ôm hoài bão thay đổi thế giới. “Con bé được sinh ra là để thay đổi thế giới, nó nói không ngừng về điều ấy”.

Cũng như nhiều người khác, Sara Mukadam, chị của Noor, hy vọng cái chết của em mình sẽ dẫn tới thay đổi và tạo ra động lực mạnh mẽ để tạo ra luật bảo vệ phụ nữ.

“Sự hy sinh của em ấy sẽ thay đổi thế giới, phụ nữ sẽ đấu tranh đòi quyền lợi của mình vì Noor”, Sara nói.

Shaukhat Mukadam cho biết gia đình ông muốn có công lý.

“Đây không phải chỉ là cái chết của con gái tôi. Chúng ta phải có công lý vì nó còn liên quan tới mọi người con gái của người Pakistan”.

Theo Zing

Afghanistan - Pakistan căng thẳng vì vụ bắt cóc, tra tấn con gái đại sứ

Afghanistan - Pakistan căng thẳng vì vụ bắt cóc, tra tấn con gái đại sứ

Mối quan hệ giữa Kabul và Islamabad xấu đi nghiêm trọng sau vụ con gái đại sứ Afghanistan tại Pakistan bị bắt cóc và tra tấn.