Tối 15/7, tại Hà Nội, Văn phòng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701) phối hợp với Trung tâm Stimson (Hoa Kỳ) đã tổ chức hội thảo trực tuyến quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam và hậu quả chiến tranh: 25 năm bình thường hóa quan hệ.
Thượng nghị sỹ Patrick Leahy |
Tham dự có Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc; Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, Phó chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ; Đại tá Lê Đình Vũ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 701 cùng một số chuyên gia, nhà khoa học của hai nước.
Thượng nghị sỹ Patrick Leahy cho rằng, sau 25 năm bình thường hóa, quan hệ song phương đã có được những bước tiến dài mà ít người có thể hình dung. Nhiều người đã tham gia chiến tranh tại Việt Nam công nhận cuộc chiến là thảm họa đối với cả hai bên, do đó đã cùng nhau chung tay đóng góp vào quá trình hòa giải và nhìn về phía trước.
“Các nhà ngoại giao hai bên đã tích cực thúc đẩy tiến trình hòa giải và đóng góp cho quan hệ hai nước; tiếp tục giải quyết các vấn đề như tìm kiếm quân nhân mất tích, xử lý bom mìn và chất độc hóa học, làm sạch các khu vực nhiễm dioxin”, ông Leahy khẳng định.
"Mặc dù còn có sự khác biệt nhưng những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nước tại Đông Nam Á có quan hệ tốt với Hoa Kỳ", ông nói thêm.
Hội thảo trực tuyến quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam |
Tầm nhìn và thiện chí là nền tảng
Đại sứ Hà Kim Ngọc cho rằng, hợp tác khắc phục, giải quyết hậu quả chiến tranh đóng vai trò quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ, làm sâu sắc hơn lòng tin giữa hai nước.
“Hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh như chất keo gắn kết để hai bên cùng nhau gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, thể hiện trách nhiệm về mặt đạo đức và sự đồng cảm, chia sẻ, cho thấy sự thay đổi sâu sắc nhận thức của hai bên”, Đại sứ nêu rõ.
Ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, việc hai bên đạt được những bước phát triển quan trọng trên nhiều lĩnh vực đã góp phần thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau trên một định hướng chung.
Đại tá Lê Đình Vũ |
Chia sẻ tại hội thảo, Đại tá Lê Đình Vũ cho biết, từ 1973-1988, Việt Nam đã chủ động tìm và trao cho phía Hoa Kỳ 302 bộ hài cốt. Trong 32 năm hoạt động hỗn hợp, gần 1.000 hòm hài cốt đã được trao trả và Hoa Kỳ đã nhận dạng ADN được hơn 700 trường hợp.
Vừa qua, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người nước ngoài mất tích đã ký bản ghi nhận ý định về việc tiếp nhận gói hỗ trợ nâng cao năng lực giám định hài cốt. Trong đợt dịch Covid-19, Việt Nam đã đơn phương khai quật một số vụ khó và tìm được một bộ hài cốt ở Quảng Bình, dự kiến trao trả cho Hoa Kỳ vào ngày 16/7.
Hai bên cũng đã hợp tác thực hiện thành công xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, tiếp tục xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh bị phun rải chất da cam/dioxin, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Tiếp tục hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh
Đại tá Lê Đình Vũ cho biết, Văn phòng 701 mong muốn cơ quan chức năng hai bên tiếp tục thực hiện các nội dung được lãnh đạo cấp cao hai nước nêu trong các tuyên bố chung.
Đồng thời, hai bên cần hợp tác tổ chức thực hiện biên bản ghi nhớ và 9 điểm hợp tác về khắc phục hậu quả bom mìn đã được thống nhất.
Bảo Đức
Mỹ sát cánh với Việt Nam, hỗ trợ giải quyết tranh chấp bằng hòa bình
Hoa Kỳ tái khẳng định sẽ sát cánh cùng Việt Nam, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, tôn trọng tự do hàng hải và hàng không.