Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 21/7 (theo giờ Việt Nam), hơn 14,8 triệu người trên toàn cầu đã nhiễm Covid-19, với ít nhất 611.824 trường hợp trong số đó đã tử vong. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến gần 8,9 triệu bệnh nhân được chữa khỏi.

Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tổng số ca mắc (hơn 3,9 triệu người) và tử vong (gần 144.000 người) đều cao nhất thế giới.

{keywords}
Nhà chức trách Tân Cương đang triển khai các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan cua Covid-19. Ảnh: CNA

Ổ dịch mới bùng phát ở Tân Cương

Chính quyền Tân Cương, tây bắc Trung Quốc cho biết, một trong 17 ca mắc Covid-19 mới được phát hiện trong cộng đồng ở nước này hôm 20/7 là tại Kashgar, một thành phố nằm trên tuyến đường tơ lụa cổ. Số ca mắc còn lại đều ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương, nơi ghi nhận hầu hết các trường hợp lây nhiễm khác kể từ khi ổ dịch mới bùng phát ở vùng tự trị này hồi đầu tháng 7 và hiện đã lên tới ít nhất 47 ca bệnh.

Nhà chức trách Tân Cương đã cố gắng ngăn chặn virus phát tán bằng cách phong tỏa các cộng đồng và triển khai các biện pháp giới hạn đi lại. Chính quyền trung ương cũng cử 3 nhóm chuyên gia tới giúp Tân Cương dập dịch, đồng thời điều động hơn 200 nhân viên y tế từ 10 tỉnh khác tới hỗ trợ vùng làm xét nghiệm kiểm dịch.

AP trích dẫn báo cáo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết thêm, trong 24 giờ qua, đại lục có thêm 5 ca nhiễm Covid-19 nữa liên quan đến những người nhập cảnh từ nước ngoài. Số liệu nâng tổng số ca dương tính với virus ở đại lục đến sáng sớm ngày 21/7 lên 83.682 người, trong khi tổng số trường hợp tử vong giữ nguyên là 4.634 người suốt nhiều tuần qua.

Nhà chức trách địa phương thông báo đã bắt giữ 5.370 cá nhân phạm các tội liên quan đến dịch bệnh trong giai đoạn từ tháng 1 - tháng 6 năm nay. Hơn 40% trong số đó bị truy tố vì tội lừa đảo, 15% bị cáo buộc cản trở thực thi luật pháp trong khi số còn lại bị buộc tội sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; gây rối trật tự xã hội và vận chuyển, buôn bán các động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Anh cảnh báo nguy cơ 

Kate Bingham, Chủ tịch lực lượng đặc nhiệm vắc-xin của Anh cảnh báo không nên quá lạc quan về việc sẽ tìm ra một loại vắc-xin phòng ngừa Covid-19. Phát biểu trên kênh Sky News, bà Bingham yêu cầu mọi người cần cảnh giác trước nguy cơ trên.

Theo CNN, chính Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 20/7 cũng thừa nhận hiện đang có sự "phóng đại" về việc chắc chắn sẽ có một loại vắc-xin trình làng trong năm nay hoặc năm tới. Do đó, ông Johnson yêu cầu mọi người dân ở xứ sở sương mù nên tuân thủ nghiêm việc giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch khác.

Động thái diễn ra tiếp sau khi Chính phủ Anh tuyên bố đã giành được quyền tiếp cận sớm với 90 triệu liều "sinh phẩm hứa hẹn là vắc-xin" chống Covid-19. Trong dư luận hiện cũng có nhiều hy vọng khi các nhà khoa học thuộc trường Đại học Oxford (Anh) thông báo, vắc-xin thử nghiệm của họ đã kích hoạt một phản ứng miễn dịch ở hàng trăm người được tiêm thử nghiệm giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nói, họ cần thực hiện các thử nghiệm quy mô lớn hơn, bao gồm 10.000 người ở Anh cũng như hàng nghìn người tình nguyện khác ở Nam Phi và Brazil để đánh giá chính xác hiệu quả của chế phẩm mới.

Đại học Oxford đã cộng tác với hãng dược AstraZeneca để sản xuất vắc-xin khắp toàn cầu và hai bên cam kết sẽ cung ứng 2 triệu liều vắc-xin triển vọng ra thị trường.

Pháp báo động tăng lây lan virus

CNN trích dẫn thông cáo mới của Bộ Y tế Pháp cho hay, tốc độ lây lan virus corona chủng mới ở nước này đang có chiều hướng tăng lên, với ít nhất 400 "cụm lây nhiễm" được phát hiện khắp cả nước.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 20/7, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nói, hiện có nhiều quan ngại về nguy cơ dịch tái bùng phát mạnh. Song, ông tin Pháp vẫn chưa cận kề làn sóng lây nhiễm virus lần hai.

Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 350 ca nhiễm mới Covid-19 cùng 8 bệnh nhân thiệt mạng, nâng tổng số trường hợp mắc trên toàn quốc lên xấp xỉ 177.000 người với 30.177 ca bệnh đã thiệt mạng.

Dominica ban bố tình trạng khẩn cấp

Tổng thống Cộng hòa Dominica Danilo Medina vừa ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài trong 45 ngày, bắt đầu từ 20/7 để khống chế dịch. Ông Medina giải thích, quyết định được đưa ra nhằm đối phó với tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới Covid-19 "rất đáng lo ngại" cũng như tránh cho hệ thống y tế của quốc gia vùng Caribbe này bị quá tải và sụp đổ.

Hôm 19/7, nhà chức Dominica đã tuyên bố đóng cửa mọi bãi biển khắp toàn quốc nhằm triển khai các biện pháp giãn cách xã hội. Tính đến hết ngày 20/7, nước này ghi nhận gần 54.000 ca dương tính với virus với 993 trường hợp đã tử vong.

Tuấn Anh

Philippines tái phong tỏa một phần thủ đô, WHO lo viễn cảnh tồi tệ vì Covid-19

Philippines tái phong tỏa một phần thủ đô, WHO lo viễn cảnh tồi tệ vì Covid-19

Số ca nhiễm mới Covid-19 tiếp tục tăng buộc Philippines phải tái phong tỏa một phần thủ đô. Trong khi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch sẽ ngày càng tồi tệ nếu các nước lơ là phòng chống.

Tổng thống Iran tuyên bố sốc về 25 triệu người mắc Covid-19

Tổng thống Iran tuyên bố sốc về 25 triệu người mắc Covid-19

Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm nay, 18/7 bất ngờ tuyên bố 25 triệu dân nước này đã nhiễm virus corona chủng mới và thêm 30 - 35 triệu người khác có nguy cơ mắc mầm bệnh nguy hiểm.