Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng ở Seoul, Choi Hyun Soo, cho biết ngày 7/3 rằng quân đội Mỹ và Hàn Quốc đang tiếp tục phối hợp thông tin tình báo chặt chẽ về hoạt động tại trung tâm nghiên cứu tên lửa ở Bình Nhưỡng và cả một bãi phóng tên lửa riêng rẽ khác. Bà Choi không nêu cụ thể hoạt động đó là gì.

{keywords}
Tên lửa Triều Tiên Scub-B giả (trái) và các tên lửa Hàn Quốc được trưng bày tại Bảo tàng tưởng niệm Chiến tranh Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 7/3/2019. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, một nhà lập pháp tham dự cuộc họp tình báo bí mật tiết lộ với AP rằng, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) Suh Hoon khẳng định cơ quan của ông đã phát hiện sự chuyển động của các phương tiện vận tải tại cơ sở ở Bình Nhưỡng. Trong cuộc họp, Giám đốc Suh nói rõ ràng là các phương tiện đang chuyển đồ cung cấp, song ông không trả lời cụ thể khi các nhà lập pháp hỏi về mục đích của hoạt động đó.

Ông Suh cũng xác nhận với các nhà lập pháp Hàn Quốc rằng, Triều Tiên đã phục hồi các cơ sở tại một bãi phóng tên lửa ở Tongchang-ri mà nước này đã dỡ bỏ một phần hồi năm ngoái, giống như thông tin từ phía Mỹ đưa ra kèm những bức ảnh vệ tinh.

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời một nghị sĩ Hàn Quốc rằng NIS khẳng định tại cuộc họp rằng Triều Tiên tiếp tục làm giàu uranium ngay cả trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un ở Hà Nội.

Trước đó, ngày 6/3, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano thông báo Triều Tiên tiếp tục sử dụng một cơ sở làm giàu uranium tại tổ hợp hạt nhân chính ở Yongbyon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Trong báo cáo hàng quý của IAEA, ông Amano nói chính quyền ông Kim Jong Un tiếp tục xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm ở Yongbyon. Lò phản ứng 5 Megawatt sản xuất plutonium của Triều Tiên đã dừng hoạt động từ tháng 12 năm ngoái, song IAEA giờ đây không thể xác định được mục đích sử dụng phương tiện làm giàu unranium của Triều Tiên.

Giới chuyên gia nhận định Triều Tiên có thể sản xuất từ 2 đến 3 vũ khí hạt nhân mỗi năm ngay cả khi không có tổ hợp Yongbyon.

Hội nghị Mỹ - Triều ở Hà Nội tuần trước đã không đưa ra được tuyên bố chung do hai bên bất đồng về cấm vận và phi hạt nhân hóa. Hiện chưa rõ những thông tin mới kể trên ảnh hưởng như thế nào đến ngoại giao.

Giới chuyên gia tin rằng, trung tâm nghiên cứu tên lửa tại khu vực Sanumdong của Bình Nhưỡng là nơi Triều Tiên lắp ráp các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Năm 2017, Triều Tiên tiến hành 3 vụ thử ICBM với sức mạnh tiềm tàng bắn tới Mỹ. Sau vụ thử cuối cùng vào tháng 11//2017, Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố lực lượng hạt nhân của Triều Tiên đã hoàn thiện, và ông bắt tay vào tiến trình ngoại giao với Washington và Seoul từ đầu năm 2018.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên vẫn còn phải làm chủ thêm một số công nghệ nữa, chẳng hạn như đảm bảo đầu nổ trụ được các điều kiện khắc nghiệt khi trở lại bầu khí quyển, thì mới chế được những ICBM hoạt động.

Thanh Hảo