Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) hôm 11/7 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này cáo buộc Chính phủ Anh đã có hành động khiêu khích khi nghe theo "các câu chuyện bịa đặt của những kẻ đào tẩu".
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un chủ trì một cuộc họp của chính phủ Triều Tiên hôm2/7. Ảnh: KCNA |
Hồi đầu tuần này, London thông báo sẽ áp lệnh trừng phạt đối với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Triều Tiên vì cách đối xử tại các trại cải tạo lao động của Bình Nhưỡng.
Đại diện Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã lên án hành động nói trên, đồng thời cho rằng quyết định của Anh là một "âm mưu chính trị" tuân theo chính sách thù địch của Mỹ đối với Bình Nhưỡng. Quan chức này trích dẫn việc Washington hoan nghênh động thái của London là bằng chứng cho thấy rõ điều này.
Bình Nhưỡng cảnh báo, sau khi rời Liên minh châu Âu để khẳng định vị thế độc lập, Anh không nên "mù quáng theo Mỹ" do nước này "chắc chắn sẽ bị bắt phải trả giá" vì hành động đó.
Theo báo RT, mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn đóng băng sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un kết thúc hồi tháng 2/2019 mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào do bất đồng về các bước giải trừ hạt nhân cũng như việc dỡ bỏ cấm vận.
Chính quyền ông Trump đã bày tỏ hy vọng về hội nghị thượng đỉnh song phương lần 3, nhưng Triều Tiên đã thẳng thừng bác bỏ ý tưởng này. Các quan chức Triều Tiên gọi đó là hành động lãng phí thời gian khi Washington không thay đổi cách tiếp cận và vẫn coi đối thoại với Bình Nhưỡng là "công cụ chính trị nhằm giải quyết các rắc rối trong nước".
Tuấn Anh
Triều Tiên bác bỏ nhu cầu đàm phán với Mỹ
Một quan chức ngoại giao cấp cao Triều Tiên tuyên bố, nước này không thấy cần thiết phải đàm phán với Mỹ khi đây chỉ là "công cụ chính trị" cho Washington.
Lối thoát nào cho khủng hoảng quan hệ Mỹ - Triều?
Quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên được tin sẽ tiếp tục bế tắc cho đến khi Washington đề xuất các lợi ích cụ thể cho Bình Nhưỡng.