Theo Reuters, Triều Tiên đã cắt khẩu phần lương thực xuống chỉ còn 300 gram một ngày – mức thấp nhất từ trước tới nay so với thời điểm này trong năm. Dự kiến, khẩu phần sẽ còn bị cắt giảm hơn nữa sau khi nước này vừa trải qua một vụ thu hoạch có năng suất thấp nhất trong một thập kỉ qua. Thông tin được Liên Hợp Quốc thông báo hôm nay (3/5).

{keywords}
Trẻ em đang ăn trưa tại một trường mẫu giáo công lập ở phía nam Bình Nhưỡng. Ảnh do Chương trình Lương thực Thế giới cung cấp.

Theo yêu cầu từ phía Triều Tiên, Liên Hợp Quốc đã tổ chức một cuộc điều tra về lương thực diễn ra từ 29/3 đến 12/4 vừa qua. Tổ chức này đã được cho phép thu thập thông tin từ các trang trại hợp tác xã, các hộ gia đình từ thành thị đến nông thôn, các nhà trẻ và các trung tâm phân phối lương thực.

“Điều tra lương thực mới này cho thấy, sau vụ thu hoạch tệ nhất trong 10 năm qua với nguyên nhân từ hạn hán, nắng nóng và lũ lụt, khoảng 10.1 triệu người đang phải chịu tình trạng mất an ninh lương thực nặng nề, nghĩa là họ không có đủ lương thực cho tới vụ mùa sau”, phát ngôn viên của Chương trình Lương thực Thế giới Herve Verhoosel cho biết.

Khảo sát cho thấy mức tiêu thụ chất đạm của người dân Triều Tiên là rất thấp, với nhiều gia đình chỉ ăn chất đạm vài lần mỗi năm.

Chương trình Lương thực Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, là hai trong số rất ít các tổ chức viện trợ được cho phép hoạt động ở Triều Tiên. Quốc gia này từng trải qua nạn đói vào những năm 1990.

Năm nay, năng suất nông nghiệp của Triều Tiên là khoảng 4,9 triệu tấn, thấp nhất kể từ năm 2008-2009, dẫn đến thu hụt ngân sách lương thực vào khoảng 1,36 triệu tấn trong năm tài chính 2018/2019 – báo cáo này cho biết.

Trong số 10,1 triệu người đang cần viện trợ lương thực, có 7,5 triệu người trong tổng số 17,5 triệu người dân Triệu Tiên đang phụ thuộc vào bao cấp của chính phủ và 2,6 triệu nông dân canh tác tập thể.

“Dự đoán về thu hoạch lúa mì và lúa mạch trong mùa thu hoạch đầu năm 2019 là rất đáng lo ngại, với nhiều cộng đồng người dân đối mặt với rủi ro khi mùa đói kém sẽ bắt đầu từ tháng 6. Đây là hậu quả từ những cú sốc khí hậu liên tiếp kết hợp với việc thiếu thốn xăng dầu, phân bón và các vật liệu khác dùng trong nuôi trồng”, ông Verhoosel cho biết thêm.

Chương trình Lương thực Thế giới dự định sẽ tổ chức một cuộc điều tra nữa vào tháng 7 và tháng 8 tới để nắm bắt được một cách toàn diện mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lương thực này.

Linh Nguyễn