Lời khẳng định trên được đại diện Taliban đưa ra tại cuộc họp báo đầu tiên của tổ chức này ngày 17/8 kể từ khi giành quyền kiểm soát ở Kabul.
Tại cuộc họp báo, phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của Taliban khẳng định lực lượng này đang kiểm soát toàn bộ lãnh thổ và các đường biên giới của Afghanistan. Ông tuyên bố cuộc chiến đã kết thúc và nhiệm vụ quan trọng của Taliban hiện tại là ổn định tình hình và thành lập một chính phủ.
Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid tại cuộc họp báo ngày 17/8 ở Kabul. Ảnh: AP |
Trong số nhiều cam kết đổi mới đưa ra, đại diện Taliban cho biết tổ chức này sẽ ân xá cho tất cả các kẻ thù, bao gồm giới chức chính quyền cũ được phương Tây hậu thuẫn, tôn trọng nữ quyền phù hợp với luật Hồi giáo, và cho trẻ em được tự do đến trường.
Taliban cũng sẽ không truy cứu trách nhiệm của các nhà thầu cũng như phiên dịch viên làm việc cho các lực lượng quốc tế, đồng thời kêu gọi tất cả các quan chức chính phủ trở lại làm việc bình thường.
Ông Mujahid khẳng định thêm rằng lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ bên nào, quốc gia Trung Nam Á này sẽ không là nơi chứa chấp các tổ chức khủng bố.
Thông điệp cứng rắn của Phó tổng thống Afghanistan
Cùng ngày, Phó Tổng thống thứ nhất Afghanistan Amrullah Saleh tuyên bố mình là "Tổng thống lâm thời hợp pháp" sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước, và ông sẽ không bao giờ "đầu hàng Taliban".
"Theo quy định rõ ràng của Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan, trong trường hợp Tổng thống vắng mặt, bỏ trốn hoặc qua đời, Phó Tổng thống thứ nhất sẽ là quyền Tổng thống", ông Saleh viết trên Twitter.
"Tôi ở trong nước và tôi đảm nhiệm vị trí này một cách hợp pháp. Tôi đang liên hệ với tất cả các nhà lãnh đạo để tranh thủ sự ủng hộ và đồng ý của họ", chính trị gia này nhấn mạnh thêm.
Kêu gọi người dân Afghanistan "tham gia kháng chiến", ông Saleh tuyên bố: "Khác với Mỹ/NATO, chúng tôi không hề đánh mất tinh thần và vẫn nhìn thấy những cơ hội lớn ở phía trước... Hãy tham gia kháng chiến".
Ông Amrullah Saleh trong chiến dịch tranh cử ở Kabul hồi tháng 9/2019. Ảnh: Reuters |
Mỹ phong tỏa dự trữ quốc gia của Afghanistan
Theo báo Washington Post, Mỹ đã quyết định phong tỏa và không cho phép chính quyền mới tại Afghanistan tiếp cận các khoản quỹ chính phủ, trong đó có nguồn viện trợ tài chính mà phương Tây dành cho quốc gia Nam Á này.
Như vậy, Taliban sẽ không thể tiếp cận nguồn tiền của chính quyền Ghani để lại. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, vào tháng 4/2021, chính phủ Afghanistan có khoảng 9,4 tỷ USD dự trữ quốc gia nhưng không rõ bao nhiêu trong số này được gửi ở các ngân hàng tại Mỹ.
Nhà Trắng cho biết, Mỹ chưa có kế hoạch công nhận ngay chính quyền mới ở Afghanistan do Taliban đứng đầu. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nêu rõ, Washington sẽ chỉ công nhận một chính quyền của Taliban tại Afghanistan nếu tổ chức này tôn trọng nữ quyền và không tham gia các phong trào cực đoan như Al-Qaeda.
Nga ủng hộ đối thoại toàn diện
Cũng trong ngày 17/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Moscow ủng hộ một cuộc đối thoại toàn diện tại Afghanistan, với sự tham gia của tất cả các đảng phái chính trị, sắc tộc và các nhóm tôn giáo.
Sau khi Taliban đưa ra các cam kết đầu tiên, ông Lavrov bày tỏ sự hoan nghênh đối với việc tổ chức này sẵn sàng thảo luận về một chính phủ mới có cả sự tham gia của các đại diện khác.
Đến nay, chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính quyền Taliban tại Afghanistan.
Thanh Hảo
Afghanistan rơi vào tay Taliban, sóng gió bủa vây ông Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vấp phải nhiều chỉ trích sau bài phát biểu về Afghanistan, gần 24 giờ sau khi Taliban chiếm thủ đô Kabul, thâu tóm quyền kiểm soát quốc gia Nam Á.