Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, tên lửa đạn đạo được phóng đi từ căn cứ không quân Vandenberg ở bang California hôm 12/12, bay xa hơn 500km. "Các dữ liệu thu thập được cùng những bài học rút ra từ vụ thử nghiệm này sẽ cho thấy việc phát triển các tính năng vũ khí tầm trung tương lai của Bộ Quốc phòng", trích tuyên bố của nhà chức trách Mỹ.
Theo báo RT, đây là vụ phóng thử tên lửa đạn đạo thứ hai thuộc loại này tiếp sau vụ phóng hồi tháng 8, chỉ vài ngày sau khi hiệp ước INF hết hiệu lực do chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương từ bỏ.
Được ký kết năm 1987 giữa lúc đỉnh điểm của chiến tranh Lạnh, INF cấm Mỹ và Liên Xô (sau này là Nga) phóng các tên lửa trên mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.000km.
Trước khi xé bỏ hiệp ước, chính quyền ông Trump liên tục cáo buộc Nga sở hữu tên lửa vi phạm INF, điều Moscow nhất quyết phủ nhận. Các đề xuất của Nga về việc NATO thanh sát hệ thống tên lửa nói trên đã bi phớt lờ. Trong khi đó, ông Trump và các cố vấn cũng quả quyết INF là tàn tích thời chiến tranh Lạnh, không phù hợp với thực tế chiến lược hiện nay vì không áp dụng với Trung Quốc và những nước khác cũng sở hữu các tính năng tên lửa đạn đạo.
Vụ phóng tên lửa hôm 12/12 diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov công du Washington để thảo luận với Tổng thống Trump cũng như người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo về khả năng mở rộng hiệp ước giảm trừ hạt nhân START mới. Theo ông Lavrov, Moscow sẵn sàng gia hạn thêm 5 năm sau khi hiệp ước hết hạn vào tháng 2/2021 để có thêm thời gian cho các bên đàm phán về một thỏa thuận mới.
Tuy nhiên, chính quyền ông Trump tỏ ra không mấy mặn mà với ý tưởng của Nga. Ông Trump đã đề cập đến một thỏa thuận hạt nhân mới, bao gồm cả Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác nhưng không nêu đề xuất cụ thể để biến nó thành hiện thực.
Tuấn Anh