Được NATO đặt tên là Spider-B còn Mỹ gọi là SS-26, hệ tên lửa đất-đất chiến dịch-chiến thuật của Nga do Viện thiết kế chế tạo cơ khí Kolumna phát triển nhằm thay thế cho các hệ thống tên lửa như Scud, SS-20 và Zoka đã lạc hậu. Những khẩu đội Iskander đầu tiên được đưa vào sử dụng vào năm 2006.
Tên lửa đạn đạo Iskander. Ảnh: TASS |
Hệ thống tên lửa Iskander gồm: tên lửa, xe vận chuyển-nạp đạn, xe chỉ huy, xe xử lí tình báo, xe bảo dưỡng kĩ thuật, trang bị đồng bộ và khí tài huấn luyện mô hình. Mỗi xe vận chuyển mang 2 quả đạn, dự trữ 2 quả với khả năng bắn hết 2 đạn chỉ trong 1 phút vào 2 mục tiêu khác nhau, bán kính sai số 5-7m.
Tên lửa Iskander có 3 phiên bản: phiên bản Iskander-E cho xuất khẩu, phiên bản Iskander-M đang được quân đội Nga sử dụng và phiên bản Iskander-K đang thử nghiệm. Phiên bản Iskander-M dài 7,2m, đường kính thân đoạn lớn nhất 0,95m, trọng lượng bay 3,8 tấn, đầu đạn 380kg, có thể bay trên độ cao 50km, tầm bắn từ 50-480km.
Tên lửa áp dụng công nghệ tàng hình và nhiều biện pháp kết cấu (như lớp phủ đặc biệt, sau khi phóng cắt bỏ nhanh bộ phận tăng tốc..). Diện tích phản xạ hiệu dụng nhỏ, quỹ đạo bay phần lớn ở độ cao 50.000m, nhờ đó làm giảm xác suất bị các vũ khí đánh chặn từ mặt đất và trên không.
Ngoài ra, do Iskander sử dụng động cơ đẩy rocket nhiên liệu rắn, quỹ đạo bay thay đổi linh hoạt nên rất khó phán đoán. Giai đoạn đầu, tên lửa được điều khiển bằng véc-tơ luồng phụt, sau khi tăng tốc chuyển sang chế độ điều khiển khí lái cánh động.
Hệ thống Iskander dưới dạng 3D. Ảnh: Army Recognition |
Ở giai đoạn tăng tốc và tiếp cận mục tiêu, tên lửa có thể thực hiện bay theo phương ngang cơ động linh hoạt, gây khó khăn cho việc bám sát và đánh chặn. Vì kiểu đường bay của tên lửa rất đặc biệt, nên nó có thể chịu được sự quá tải. Muốn đánh chặn Iskander, các phương tiện chống tên lửa phải chịu được quá tải cao gấp 1-2 lần, đây là điều hầu như không thể đạt được.
Hệ thống tên lửa Iskander có thể sử dụng nhiều loại đầu chiến đấu khác nhau: đầu chiến đấu kiểu mẹ-con, đầu chiến đấu xuyên sâu và đầu chiến đấu nổ-phá sát thương, ngoài ra, còn có thể phối ghép với các loại đầu nổ khác.
Nhiều hệ thống tên lửa nước ngoài-kể cả của lục quân Mỹ chỉ có thể dựa vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để nâng độ chính xác. Còn Iskander sử dụng hệ dẫn quán tính điều khiển chủ động kết hợp với đầu tự dẫn quang học nên vừa có thể hoạt động theo chế độ GPS, cũng có thể hoạt động theo chế độ tự dẫn của đầu tìm tên lửa. Đầu tìm quang học của tên lửa căn cứ vào số liệu hình ảnh cài sẵn để nhận biết mục tiêu và dẫn tên lửa.
Mặt khác, các hệ thống đạo hàng như GPS có thể bị chặn hoặc bị gây nhiễu vô tuyến điện nên không thể đảm bảo độ chính xác, còn hệ thống dẫn quang học của Iskander không lệ thuộc vào tín hiệu đạo hàng vô tuyến điện và không bị gây nhiễu điện tử, cho phép tên lửa có thể tác chiến trong bất kỳ tình huống nào.
Trong điều kiện có sự đối kháng mạnh, hệ thống vẫn hoàn thành nhiệm vụ với xác suất phóng cao, phóng 1-2 tên lửa là đã có thể phá hủy được mục tiêu, hiệu quả tương đương với đạn hạt nhân. Thời gian phản ứng trong tác chiến của hệ tên lửa Iskander là 16 phút, thời gian chuẩn bị phóng 4 phút, giãn cách phóng giữa 2 quả đạn là 1 phút.
Tên lửa Iskander. Ảnh: Sputnik |
Do vậy, hệ thống có thể nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, phóng và di chuyển, nâng cao khả năng sống còn trên chiến trường. Các xe chiến đấu trong hệ thống tên lửa có thể vận chuyển bằng nhiều phương thức khác nhau (kể cả bằng đường không), vì thế khả năng cơ động chiến thuật và chiến lược khác cao.
Hệ tên lửa Iskander được trang bị hệ thống tự động hóa chỉ huy và bảo đảm thông tin hiện đại. Khi tác chiến, xe xử lí tình báo tiếp nhận các thông tin trinh sát do vệ tinh, máy bay trinh sát hoặc máy bay không người lái cung cấp; tính toán các số liệu bay cho tên lửa, sau đó thông qua đường thông tin vô tuyến điện truyền đến xe chỉ huy, rồi từ xe chỉ huy truyền đến xe phóng.
Tất cả theo một chu trình khép kín (nhất thể hóa), từ đó nâng cao nâng cao hiệu quả tác chiến của hệ tên lửa. Ngoài ra, xe xử lí tình báo và xe chỉ huy trong hệ thống đều được kết nối với mạng cục bộ và mạng khu vực, do vậy có thể phối hợp với toàn bộ các hệ thống vũ khí của lục quân.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, về mặt hiệu quả chi phí, hệ tên lửa Iskander vượt khá xa các sản phẩm cùng loại trên thị trường vũ khí thế giới.
Nhiều người cho rằng, ngay cả hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ cũng không đánh chặn được tên lửa Iskander. Giới quân sự Israel cũng từng thừa nhận rằng hệ thống chống tên lửa Arrow của họ không có khả năng đối phó với tên lửa Iskander nhiều đầu đạn.
Chính vì vậy, hệ tên lửa Iskander không chỉ là vũ khí răn đe trong chiến tranh cục bộ, mà với một số nước, nó có thể được xem là hệ vũ khí chiến lược, có thể làm thay đổi so sánh lực lượng trong khu vực.
Xem tin quân sự thế giới trên VietNamNet
Nguyên Phong
Những loại tên lửa vác vai 'lên ngôi' ở Ukraine
Sự tiện dụng và lợi hại của các tên lửa vác vai đã khiến chúng trở thành thứ vũ khí được ưa chuộng trong cuộc xung đột quân sự Ukraine - Nga hiện nay.
Mỹ điều hai khẩu đội tên lửa Patriot tới Ba Lan
Theo hãng tin Anadolu, việc điều tên lửa Patriot tới Ba Lan là “nhằm chống lại bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đối với Mỹ và đồng minh”.