Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, ảnh vệ tinh chụp ngày 29/11 được chuyên gia H.I. Sutton của Viện Hải quân Mỹ (USNI) công bố cho thấy, chiếc tàu ngầm Trung Quốc đã đi nổi qua eo biển Đài Loan cùng một tàu hộ tống.

“Bức ảnh dù có độ phân giải thấp, song những chi tiết nổi trên bề mặt biển vẫn biểu hiện những đặc trưng của tàu ngầm mũi tròn. Chiều dài và bối cảnh liên quan cho thấy đây có thể là tàu ngầm Type-094”, ông Sutton viết trên trang blog cá nhân.

Vị chuyên gia cũng nhận định, con tàu xuất phát từ căn cứ hải quân Du Lâm nằm trên đảo Hải Nam và tiến về phía bắc qua ngả eo biển Đài Loan. Đây được cho là một chuyến đi thông thường, bởi các tàu ngầm Trung Quốc đôi khi cần phải quay lại nhà máy đóng tàu trên biển Bột Hải ở phía bắc để “sửa chữa hoặc đại tu”.

{keywords}
Tàu ngầm được cho là Type-094 của hải quân Trung Quốc cùng tàu hộ tống đi qua eo biển Đài Loan trong ảnh vệ tinh công bố ngày 29/11. Ảnh: H.I. Sutton

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự khác cho rằng việc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đi nổi là điều bất thường, đặc biệt là với một tàu ngầm hải quân tiên tiến như Type-094. Loại tàu ngầm này mang tên lửa JL-2 với tầm bắn khoảng 7.000km, đủ xa để có thể tấn công vào phía đông bắc nước Mỹ. Phiên bản mới nhất của tàu, được Trung Quốc đưa vào biên chế hải quân hồi tháng 4, thậm chí được cho là mang tên lửa đạn đạo JL-3 mạnh hơn, với tầm bắn lên tới hơn 10.000km.

“Vũ khí tàu ngầm Type-094 mang theo được thiết kế để nhắm vào Mỹ”, chuyên gia quân sự Antony Wong Tong từ Macau (Trung Quốc) nhận định. “Không có lý do gì để quân đội Trung Quốc cho tàu ngầm của mình đi nổi, trừ khi họ muốn mọi người nhìn thấy nó".

Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), nhận định việc tàu ngầm Trung Quốc đi nổi qua eo biển Đài Loan “có thể được hiểu, dù đúng hay sai, là một tín hiệu răn đe mà Trung Quốc gửi đến Mỹ về vấn đề Đài Loan”.

Lã Lễ Thi, cựu giảng viên một học viện ở Cao Hùng, thì cho rằng việc tàu ngầm hạt nhân chiến lược đi nổi là điều bất thường khi máy bay và vệ tinh Mỹ vẫn đang giám sát khu vực. "Có thể một điều gì đó đã xảy ra với tàu ngầm Type-094 này, buộc con tàu phải đi nổi vì cần thiết và an toàn hơn", ông Lã nói.

Còn theo chuyên gia Chu Thần Minh từ Học viện Khoa học và Công nghệ quân sự Viễn Vọng ở Bắc Kinh, eo biển Đài Loan có địa hình phức tạp cùng núi lửa ngầm đang hoạt động, nên “không thân thiện” với tàu ngầm. Các tàu ngầm Trung Quốc thường đi qua eo biển Ba Sĩ hoặc eo biển Miyako khi di chuyển từ phía nam lên phía bắc hoặc ngược lại.

Dù vậy, ông Chu cho rằng "đi qua eo biển Đài Loan sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho tàu ngầm trên đường đến nhà máy đóng tàu Bột Hải để nâng cấp hoặc đại tu".

>>> Đọc tin quân sự thế giới trên VietNamNet

Việt Anh

Trung Quốc khẳng định Nghị quyết 2758, tuyên bố Đài Loan là phần lãnh thổ không tách rời

Trung Quốc khẳng định Nghị quyết 2758, tuyên bố Đài Loan là phần lãnh thổ không tách rời

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng LHQ có ý nghĩa rất quan trọng và Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.

Trung Quốc tập trận đổ bộ gần Đài Loan

Trung Quốc tập trận đổ bộ gần Đài Loan

Quân đội Trung Quốc gần đây đã diễn tập đổ bộ chiếm bờ biển ở tỉnh Phúc Kiến, trong bối cảnh quan hệ với Đài Loan đang căng thẳng.