Lực lượng tác chiến của Hạm đội 7 được biên chế thành nhiều hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp (Combined Task Force/CTF) để đảm nhiệm những nhiệm vụ tác chiến khác nhau.
Hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp 70 (CTF-70) là lực lượng tác chiến cơ động chủ yếu của Hạm đội 7, đóng tại Yokosuka, Nhật Bản. Lực lượng trực thuộc gồm 1-2 tàu sân bay (TSB), 1-2 biên đội tác chiến TSB (khoảng 15 tàu chiến các loại). Bình thường, hạm đội này chỉ biên chế biên đội tác chiến TSB số 5 với kỳ hạm là USS Ronald Reagan (CVN-76), và theo định kỳ được điều thêm 1 TSB xuống phối thuộc trong khoảng thời gian 6 tháng.
Hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp 71 (CTF-71) là lực lượng chỉ huy và điều phối của Hạm đội 7, đóng tại Yokosuka, Nhật Bản. Lực lượng trực thuộc gồm 5 biên đội đặc nhiệm hỗn hợp (71-1, 71-2, 71-3, 71-6 và 71-7). Trong đó, 71-1 là biên đội kỳ hạm của Hạm đội 7; biên đội 71-2 chịu trách nhiệm thu thập tin tức tình báo; biên đội 71-3 chi viện và cung cấp đường không; biên đội 71-6 chịu trách nhiệm điều phối hoạt động và kế hoạch huấn luyện, diễn tập của Hạm đội 7; biên đội 71-7 làm công tác giám sát theo dõi đặc biệt.
Hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp 72 (CTF-72) là lực lượng tuần tra trinh sát của Hạm đội 7, đóng tại Misawa, Nhật Bản. Lực lượng trực thuộc gồm các phi đội máy bay tuần tra trinh sát. Đây là lực lượng cảnh giới tác chiến hết sức nhạy cảm, thời bình đảm trách việc tuần tra trinh sát hàng ngày, khi tình hình khác thường sẽ ngay lập tức tăng cường hoạt động trinh sát tuần tra. Lực lượng máy bay tuần tra chủ yếu là máy bay P-3C với hệ thống sonar nổi và hệ thống xử lý âm hưởng, có thể tiến hành tìm kiếm, định vị, đeo bám, giám sát, và khi cần thiết có thể sử dụng tên lửa Harpoon và ngư lôi để tấn công các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm đối phương. Máy bay P-3C còn có thể tiến hành thu thập tình báo, rải lôi, giám sát hải dương, tìm kiếm cứu nạn và làm trạm trung chuyển thông tin.
Hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp 73 (CTF-73) là lực lượng chịu trách nhiệm chi viện sửa chữa, cung cấp hậu cần cho Hạm đội 7, thành phần chủ yếu là các tàu chở dầu, tàu chở vũ khí đạn dược và các tàu cung cấp hậu cần khác. Trong tác chiến, các đơn vị của CTF-73 chịu sự chỉ huy trực tiếp của Hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp 70.
Hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp 74 (CTF-74) là lực lượng tàu ngầm của Hạm đội 7, đóng tại Yokosuka, Nhật Bản. Ngoài lực lượng trực thuộc là biên đội tàu ngầm số 15, hạm đội này còn quản lý khoảng 4-5 tàu ngầm được Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương phái xuống theo định kỳ, thời gian mỗi lần phái xuống hoạt động ở khu vực do Hạm đội 7 đảm trách là khoảng 6 tháng.
Hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp 75 (CTF-75) là lực lượng tàu tác chiến mặt nước, đóng tại Yokosuka, Nhật Bản. Lực lượng trực thuộc gồm 3 biên đội đặc nhiệm hỗn hợp 75-1, 75-2 và 75-3. Trong đó, các biên đội 75-2 và 75-3 thường được sát nhập thành 1 biên đội tàu mặt nước lớn khi tham gia diễn tập hoặc đi thăm các nước. Ngoài ra, định kỳ Bộ tư lệnh Tàu mặt nước của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ phái xuống thêm 1 biên đội tàu khu trục nữa, thời gian mỗi lần phái xuống là 6 tháng.
Lực lượng tàu chiến của Hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp 75 thường được phối thuộc hoạt động với biên đội tác chiến TSB, khi đó nó sẽ được biên chế vào Hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp 70. Khi tiến hành giám sát theo dõi, lực lượng tàu chiến này sẽ được biên chế vào biên đội đặc nhiệm hỗn hợp 71-7.
Hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp 76 (CTF-76) là lực lượng tác chiến lưỡng thê, đóng tại Okinawa, Nhật Bản. Lực lượng trực thuộc gồm 1-2 biên đội tàu lưỡng thê và xuồng quét/rải lôi. Theo kế hoạch định kỳ, Bộ tư lệnh Tàu mặt nước của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ phái thêm xuống một số tàu lưỡng thê, thời gian mỗi lần phái xuống là 6 tháng.
Hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp 77 (CTF-77) là lực lượng tấn công TSB, đóng tại Yokosuka, Nhật Bản, có cơ cấu biên chế giống như Hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp CTF-70. Khi một TSB nào khác của Hạm đội 7 đi thực hiện nhiệm vụ sẽ được biên chế vào Hạm đội này.
Hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp 79 (CTF-79) là lực lượng đổ bộ của Hạm đội 7, đóng tại Okinawa. Lực lượng chủ yếu là Cụm hải quân đánh bộ viễn chinh số 3, đây cũng là thành phần chủ lực của lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ ở tây Thái Bình Dương.
Theo các chuyên gia quân sự, với vị trí là một trong những tập đoàn tác chiến mạnh nhất trên toàn cầu, lực lượng của Hạm đội Thái Bình Dương đã, đang và sẽ tiếp tục là lực lượng giữ vai trò chính của hải quân Mỹ trong cả vai trò răn đe và tham gia các cuộc chiến tranh, xung đột nếu xảy ra ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong đó, nòng cốt là các hạm đội đặc nhiệm hỗn hợp thuộc Hạm đội 7.
Nguyên Phong
Hình ảnh Mỹ cùng đồng minh tập trận rầm rộ ngoài khơi Australia
Thiếu tướng Jake Ellwood thuộc Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) cho biết, cuộc tập trận được tổ chức nhằm tăng sự tương tác giữa ADF và quân đội Mỹ.
Xem Mỹ nổ mìn ngay cạnh tàu sân bay trị giá 13 tỷ USD
Theo Hải quân Mỹ, việc kích nổ mìn gần tàu sân bay USS Gerald R. Ford nhằm thử nghiệm tính bền vững của thân tàu trước chấn động lớn.