Theo trang tin của Viện Hải quân Mỹ (USNI News), một số vật thể trong ảnh do vệ tinh của hãng công nghệ Maxar chụp lại hôm 7/11 có hình dạng từ trên cao nhìn xuống giống với tàu sân bay của Mỹ, cùng ít nhất 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke. Chúng được xác định nằm giữa một thao trường của quân đội Trung Quốc giữa sa mạc Taklamakan, thuộc huyện Nhược Khương, khu tự trị Tân Cương, gần địa điểm nước này từng thử nghiệm tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D lần đầu tiên vào năm 2013.

USNI News cũng cho biết, không giống như các mục tiêu tàu sân bay được Hải quân Iran dựng lên ở Vịnh Ba Tư, mô hình mới của Trung Quốc được thiết kế phức tạp và tinh vi hơn. "Không có dấu vết va chạm của tên lửa xung quanh các mô hình tàu chiến", trang tin này trích dẫn báo cáo từ cơ quan tình báo không gian địa lý All Source Analysis cho hay. "Các mô hình này có độ chi tiết cao, gồm nhiều cảm biến bên trên và xung quanh, cho thấy chúng có thể được thiết kế để sử dụng nhiều lần".

{keywords}
Mô hình mô phỏng tàu sân bay Mỹ tại sa mạc Taklamakan. Ảnh: USNI News

Theo hãng thông tấn Reuters, việc trang bị những mục tiêu trên phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tăng cường khả năng đối phó với các tàu sân bay, đặc biệt là tàu sân bay của Hải quân Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng trên biển giữa hai bên vẫn diễn biến phức tạp.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận về thông tin này.

Đây không phải lần đầu Trung Quốc dựng mô hình tàu sân bay để phục vụ mục đích huấn luyện quân sự. Hồi năm 2003, quân đội nước này đã dựng một mô hình tàu sân bay bằng bê tông tại bãi thử tên lửa Shuangchengzi thuộc khu tự trị Nội Mông. Mô hình này nhiều lần được đem ra thử nghiệm các loại hỏa lực khác nhau và thường xuyên được tu sửa.

{keywords}
Mô hình tàu khu trục lớp Arleigh Burke tại sa mạc Taklamakan. Ảnh: USNI News

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng được cho là đang củng cố năng lực vũ khí diệt hạm của mình, trong đó đáng kể nhất là các loại tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D và DF-26. Trong đó, DF-21D có tầm bắn hơn 1.400km và có khả năng bắn trúng các mục tiêu di động, còn DF-26 thì có tầm bắn lên tới hơn 3.700km, và có khả năng mang theo cả đầu đạn hạt nhân lẫn đầu đạn thường.

Tháng 8 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo quân đội Trung Quốc đã phóng thử hai loại tên lửa DF-21D và DF-26 ra khu vực Biển Đông. Lầu Năm Góc cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình nhanh hơn dự đoán của Washington.

>>> Đọc tin quân sự trên VietNamNet

Việt Anh

Nghi vấn Trung Quốc xây hàng trăm hầm chứa tên lửa xuyên lục địa

Nghi vấn Trung Quốc xây hàng trăm hầm chứa tên lửa xuyên lục địa

Một số hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc dường như đang nhanh chóng xây dựng hàng trăm cấu trúc bị nghi là hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).