Trong thông cáo được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải ngày 6/1, chính quyền Kim Jong Un khẳng định các vụ phóng thành công liên tiếp đối với tên lửa siêu thanh "có ý nghĩa chiến lược khi đẩy nhanh nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng chiến lược quốc gia". Nếu điều này là sự thật, và vào một thời điểm nào đó, nước này có thể triển khai vũ khí siêu thanh, nó tiềm tàng những tác động lớn đến tình hình an ninh ở châu Á. 

{keywords}
Bức ảnh được báo Rodong Sinmun của Triều Tiên đăng tải ngày 5/1 chụp vụ thử tên lửa mới nhất của nước này. 

Tuy nhiên, theo CNN, sau cả hai vụ thử - vào ngày 4/1/2022 và tháng 9/2021, các nhà phân tích đều đưa ra những đánh giá rất thận trọng. 

"Một tên lửa siêu thanh có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến sẽ là nhân tố làm thay đổi cục diện nếu kết hợp với một đầu đạn hạt nhân", hãng tin này dẫn lời ông Drew Thompson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ và là chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học quốc gia Singapore, bình luận sau vụ thử hồi tháng 9.

Tuy nhiên, ông Thompson cảnh báo "đó là một cái Nếu rất lớn. Có nó và muốn nó là hai điều khác biệt". 

Và sau vụ thử ngày 4/1 vừa qua, ông Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong – một tổ chức cố vấn tư nhân Hàn Quốc – cho rằng Bình Nhưỡng cần thêm thời gian và cải tiến trước khi có thể triển khai vũ khí siêu thanh. Ông đánh giá: "Triều Tiên sẽ cần ít nhất hai hoặc ba vụ phóng thử nữa trong tương lai để hoàn thiện tên lửa siêu thanh của mình".

Theo giới chuyên gia, nói đến một tên lửa siêu thanh là nói đến lượng chất nổ của nó, tức là đầu nổ tên lửa. Trong trường hợp này, đầu nổ là phương tiện lướt siêu thanh (HGV). Các HGV về lý thuyết có thể bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh và rất linh hoạt khi di chuyển, khiến chúng gần như không thể bị tiêu diệt.

Giống như tên lửa đạn đạo, các vũ khí lướt siêu thanh được phóng bằng tên lửa vào bầu khí quyển. Một đầu nổ tên lửa đạn đạo chủ yếu được cung cấp năng lượng nhờ trọng lực khi bắt đầu lao vào mục tiêu từ độ cao 1.000km, còn tên lửa siêu thanh sẽ trở lại Trái đất ngay rồi giữ đường bay thẳng – chỉ cao vài chục km so với mặt đất. Sau đó, vũ khí này sử dụng các thiết bị định vị bên trong để điều chỉnh hành trình và giữ đúng hướng tới mục tiêu trong khi bay nhanh gấp 12 lần tốc độ âm thanh.

Đọc tin thời sự thế giới trên VietNamNet 

Thanh Hảo

Triều Tiên phóng vật thể chưa xác định về phía Biển Nhật Bản

Triều Tiên phóng vật thể chưa xác định về phía Biển Nhật Bản

Triều Tiên vừa phóng một quả đạn không rõ chủng loại về phía biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là Biển Đông), theo quân đội Hàn Quốc sáng 5/1.