Reuters trích dẫn tuyên bố ngày 15/10 của Bộ Quốc phòng Nga cho hay, thủy thủ đoàn tàu chống ngầm Đô đốc Tributs của Nga đã phát loa cảnh báo tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Chafee thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ về việc chiến hạm này "đang ở trong một khu vực bị cấm đi lại do các cuộc tập trận với hỏa lực pháo binh".
Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Chafee (DDG 90) thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, USS Chafee không thay đổi hướng đi và thay vào đó giương cờ, báo hiệu một trực thăng chuẩn bị cất cánh từ trên boong tàu. Động thái đồng nghĩa tàu khu trục Mỹ không thể thay đổi hướng di chuyển và tốc độ.
"Hành động trong khuôn khổ các quy tắc hàng hải quốc tế, tàu Đô đốc Tributs đã thiết lập lộ trình trục xuất đối tượng xâm nhập khỏi lãnh hải của Nga", trích tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga.
Nhà chức trách Nga thông báo, tàu USS Chafee rốt cuộc phải chuyển hướng đi khi chỉ còn cách tàu Đô đốc Tributs khoảng 60 mét. Toàn bộ sự cố diễn ra trong khoảng 50 phút tại Vịnh Peter Đại đế, phía nam vùng Vladivostok (Nga) và trong vùng nước phía tây Biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là Biển Đông).
Quân đội Mỹ đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của phía Nga: "Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga về vụ va chạm giữa hai tàu hải quân của hai nước là sai sự thật. Vào mọi lúc, tàu USS Chafee đã tiến hành các hoạt động phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế".
Trong khi, báo RT đưa tin, Bộ Ngoại giao Nga sau đó đã triệu tập tùy viên quân sự Mỹ tại Moscow đến để yêu cầu giải thích về sự cố "thiếu chuyên nghiệp" như vậy.
Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng, Nga cho biết đã điều lực lượng truy đuổi tàu chiến của một nước thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra khỏi vùng biển của nước này. Hồi tháng 6, Nga từng cáo buộc tàu khu trục Defender của Anh xâm phạm lãnh hải ở Biển Đen, đồng thời tuyên bố đã nổ súng cảnh cáo và rải ngư lôi, buộc chiến hạm này phải rời đi.
Tuy nhiên, London đã bác bỏ lời cách giải thích của Moscow về vụ việc xảy ra ngoài khơi Crưm. Chính phủ Anh quả quyết vào thời điểm đó, chiến hạm của họ đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển Ukraina.
Sự cố ngày 15/10 xảy ra giữa lúc các lực lượng hải quân Nga và Trung Quốc đang tập trận chung nhằm thực hành cách phối hợp tác chiến và phá hủy thủy lôi nổi của đối phương bằng hỏa lực pháo binh. Động thái cũng diễn ra khi Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật đang tiến hành cuộc tập trận hải quân Malabar ở Vịnh Bengal.
Mối quan hệ Moscow - Washington đang ở mức thấp sau chiến tranh Lạnh, dù Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này tuyên bố đã thiết lập quan hệ vững chắc với người đồng cấp Mỹ Joe Biden và nhận thấy có tiềm năng cải thiện mối quan hệ song phương.
Tuấn Anh
>>> Đọc tin quân sự mới nhất trên Vietnamnet
Nga - Trung tập trận chung
Bộ Quốc phòng Nga cho hay, nước này và Trung Quốc đang tổ chức tập trận hải quân chung.
Nga cảnh báo Anh hậu quả tái xâm phạm lãnh hải
Đại sứ Nga tại Anh cảnh báo London sẽ phải hứng "các hậu quả" nếu tái lặp việc để tàu chiến Anh di chuyển qua lãnh hải của Nga gần Crưm.